Phát lộ dấu tích mới tại Hoàng thành Thăng Long

ANTĐ - Sau tròn 1 năm khai quật, nghiên cứu, chỉnh lý, hôm qua 14-12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015. Với tổng diện tích hơn 1.000m2, cuộc khai quật đã làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 5m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ tại vị trí trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Phát lộ dấu tích mới tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Dấu tích đường gạch hoa chanh thời Trần mới được phát hiện

“Đường nước lớn” vẫn là bí ẩn

Nối tiếp các cuộc khai quật được thực hiện từ năm 2012 tới nay, cuộc khai quật năm 2015 tập trung làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có: sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê sơ và Lê trung hưng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Với lần “mở hố” này, các nhà nghiên cứu đặt nhiều hy vọng sẽ làm rõ hơn cấu trúc cũng như quy mô của các dấu tích kiến trúc thời Lý ở đây, đặc biệt là dấu tích kiến trúc đường nước. 

Phát lộ dấu tích mới tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 2

Rất nhiều vật liệu kiến trúc cao cấp phát lộ tại các hố khai quật 

Nếu như trong 2 năm, 2013 và 2014 các nhà khảo cổ chỉ đoán định rằng, đường nước này chạy lên phía Bắc để bao quanh khu vực điện Kính Thiên. Song dấu tích phát lộ lại cho thấy, đường nước này chạy tới tường Đoan Môn. Có ý kiến dự đoán, có thể đường nước sẽ chạy qua Đoan Môn đến Cột Cờ. Theo PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ trì công trường khai quật, chưa thể xác định được độ dài chiều Bắc - Nam của đường nước này, nhưng chiều Đông - Tây đã xác định chính xác là 83m và tiếp tục chạy về phía Đông. 

Ngay từ khi được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2013, đã có nhiều đoán định về vai trò của kiến trúc lạ kể trên, nhiều nhà khoa học khẳng định đây là đường dẫn nước chính của Cấm thành. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại cho rằng, dựa vào những tư liệu lịch sử và so sánh với các dấu tích khác cùng thời có thể thấy đây là một đường  dẫn mang yếu tố tâm linh và quan trọng hơn cả, dựa vào vị trí của đường nước này các nhà khoa học sẽ tìm thêm bằng chứng về vị trí trung tâm Cấm thành.

Những phát hiện “quý hơn vàng”

Các dấu tích khảo cổ học cũng chỉ ra những thông tin đáng chú ý như, trong thế kỷ XIII, vương triều Trần về cơ bản sử dụng lại dấu tích kiến trúc thời Lý, nhưng từ cuối thế kỷ XIV, tình hình xây dựng bắt đầu có những chuyển biến lớn. Một đường nước thời Trần được xây dựng gần như song song với đường nước thời Lý. Tại một số hố khai quật xuất lộ thêm những dấu tích kiến trúc mới thời Trần rất quy mô, đặc biệt phải kể đến là dấu tích các dải nền hoa chanh và tường gạch.

Phát lộ dấu tích mới tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 3

Những viên đạn thời Pháp thuộc tìm thấy trong lòng một giếng cổ

Tuy nhiên, với một hố khai quật nhỏ, hiện tại chưa xác định rõ quy mô, cấu trúc của các dấu tích này. PGS.TS Tống Trung Tín cho biết thêm, dấu tích hoa chanh thời Trần đang có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu. 

Đặc biệt, cuộc khai quật khảo cổ học 2015 đã làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên. Ở đây, một lần nữa xác định móng tường Lê sơ khá kiên cố với chân móng rộng 1,7m, dày 1,2-1,4m được thời Lê trung hưng sử dụng lại. Bên cạnh đó cũng đã làm rõ các gian nhà của hành lang thời Lê sơ bắt góc về phía Đoan Môn cùng các gian nhà hành lang thời Lê trung hưng nằm chồng lên kiến trúc Lê sơ. Hành lang này có kiến trúc với móng cột hình chữ nhật, đoán định ban đầu đây là kiến trúc cổng Tây của hành lang. Tất cả các dấu tích phát lộ mang tính “đột biến” kể trên được giới nghiên cứu lịch sử khảo cổ đánh giá là “quý hơn vàng” và là căn cứ để từ đó tiến tới phục dựng điện Kính Thiên.

Phục dựng thế nào?

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên. Tuy nhiên, phục dựng thế nào vẫn là lời thách đố đối với giới nghiên cứu. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thời gian qua, dù diện tích nghiên cứu khảo cổ học chưa nhiều nhưng đang dần làm rõ thêm chứng cứ để từ đó tiến tới khôi phục không gian điện Kính Thiên. Nhấn mạnh đến việc mở rộng khai quật khảo cổ, GS.TS Hoàng Văn Khoán cho rằng phải tiến hành khai quật nghiên cứu khu vực đang được xác định là chính điện, dù có phải di dời các di tích hiện đại phía trên, từ đó mới có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.  

Lấy bài học từ Cố đô Nara của Nhật Bản, nơi việc nghiên cứu tiến hành suốt 48 năm, GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho biết, cần chuyên môn hóa trong việc nghiên cứu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long. Cũng lấy Cố đô Nara làm ví dụ, PGS.TS Đặng Văn Bài tiếp tục nhấn mạnh yếu tố khảo cổ học không thể nóng vội. “Chúng ta phải khảo cổ nhiều hơn nữa, thậm chí khảo cổ hết diện tích. Song song với quá trình khảo cổ, phải có nhiều phương pháp khoa học khác hỗ trợ công tác phục dựng” - PGS Đặng Văn Bài bày tỏ quan điểm.