Phát huy sức mạnh và vai trò các Viện nghiên cứu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 26/11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương.

Hội nghị nhằm triển khai thực hiện Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023. Đồng thời đánh giá kết quả hoạt động của các Viện trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra những nhiệm vụ ưu tiên nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và đóng góp của các Viện trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược và yêu cầu tái cơ cấu ngành Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp

Tham dự buổi làm việc có đại diện của các đơn vị có liên quan trong Bộ, gồm các Vụ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch – Tài chính, Tổ chức cán bộ, Dầu khí và Than; các Cục: Công nghiệp, Hoá chất, Điện lực và Năng lượng tái tạo và sự tham gia của đại diện Lãnh đạo của 21 Viện nghiên cứu của ngành Công Thdương cùng các đơn vị báo chí của Bộ.

Tại Hội nghị, TS Đào Duy Anh, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã báo cáo hoạt động của Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành Công Thương – một sáng kiến đã được Lãnh đạo Bộ ủng hộ với mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, hợp tác triển khai các hoạt động KH&CN giữa các Viện.

Sau thời điểm thành lập vào năm 2012 đến nay, các hoạt động của Câu lạc bộ đã được tổ chức thường kỳ để phổ biến về tình hình và định hướng hoạt động KH&CN ngành Công Thương, các văn bản chỉ đạo mới của ngành, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động KHCN cũng như trong công tác quản lý, điều hành.... Nhiều hoạt động, chương trình hợp tác giữa các Viện đã được hình thành từ hoạt động của Câu lạc bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu dự cuộc họp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu dự cuộc họp

Theo báo cáo của đồng chí Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hiện quản lý trực tiếp 11 Viện, 02 Viện đã thực hiện cổ phần hoá; bên cạnh đó là 08 Viện thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Giấy v.v... Các Viện của ngành là những tổ chức KH&CN có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển từ 35 đến 60 năm; có lĩnh vực nghiên cứu KH&CN độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Các Viện đều đã khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các tổ chức KH&CN cả nước và khu vực, cũng như có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của Ngành.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định:Phát triển KHC&CN là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi lẽ, đó là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy định hướng hình thành, phát triển những ngành kinh tế mới; cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, làm gia tăng các yếu tố sản xuất kinh doanh. Nhờ có KH&CN, đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, thậm chí là năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời góp phần tạo ra việc làm mới, thúc đẩy phân công lao động xã hội

“Ngành Công Thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, cả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì thế, nếu chúng ta muốn phát triển không còn cách nào khác là phải ứng dụng KHc&CN và phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đều là những tổ chức KH&CN có bề dày thành tích và truyền thống lịch sử xây dựng, phát triển từ 35 đến 60 năm, có lĩnh vực nghiên cứu KH&CN độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Bộ trưởng cũng đã ghi nhận về những đóng góp của các Viện trong việc nghiên cứu, tư vấn chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Ngành thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó chỉ ra những khó khăn, hạn chế và thách thức trong hoạt động của các Viện trong giai đoạn hiện nay.

Để hiện thực hoá các định hướng nêu trên, tạo điều kiện cho các Viện tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà các Viện cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới đây nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh và vai trò các Viện nghiên cứu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương, hiện thực hoá các các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương cho cán bộ, viên chức của các Viện. Bởi lẽ đây là lực lượng nòng cốt tiên phong về KHCN, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương, lực lượng này dứt khoát phải được trau dồi về quan điểm và phải được rèn luyện về bản lĩnh để trong mọi tình huống phải tuân thủ và thực hiện những mục tiêu cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đặt ra.

Quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như cấp ủy, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.