- Sử dụng chất gây ung thư trong chăn nuôi: Phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe
- Thêm một cơ sở sử dụng hóa chất nhúng sầu riêng bị phát hiện và xử lý
- Quá sợ chất cấm gây ung thư trong thịt lợn
Chiều 6-10, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, qua đơn thư tố giác của nhân dân, đơn vị này phối hợp cùng lực lượng công an đã điều tra, phát hiện tình trạng sử dụng một loại hóa chất mới trong chăn nuôi.
Hóa chất được sử dụng là vàng ô (Vat Yellow). Theo ông Phạm Tiến Dũng, qua thực nghiệm trên động vật của Học viện Nông nghiệp I cho thấy, vàng ô có gây tồn dư trong vật nuôi và gây ung thư. Tuy nhiên, việc phát hiện loại chất này sử dụng trong chăn nuôi rất khó, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung phương pháp xét nghiệm để phát hiện sớm loại chất cấm độc hại này trong chăn nuôi.

Cơ quan chức năng vừa phát hiện hành vi sử dụng chất vàng ô, dùng tạo màu công nghiệp xây dựng, nhuộm vải trong chăn nuôi (ảnh minh họa)
Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, vàng ô là một loại phụ gia dùng trong xây dựng. “Vàng ô là 1 hóa chất nhập từ nước ngoài, được dùng trong công nghiệp nhuộm vải sợi và xây dựng (gọi nôm na chất tạo màu trong vôi ve quét tường, màu vàng sắt), không được dùng trong thực phẩm”, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Theo đó, người chăn nuôi sử dụng vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu thức ăn cho bắt mắt. Tuy nhiên, khi vật nuôi sử dụng loại thức ăn có trộn vàng ô trong thời gian dài sẽ không bị tẩy trừ, đồng thời giúp vật nuôi lên màu đẹp hơn. Theo nhìn nhận của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, vàng ô được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm nhiều hơn. Song, thông tin cụ thể về việc việc này, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng như Cục Chăn nuôi cho hay, đang trong quá trình điều tra làm rõ, khi có thông tin sẽ cung cấp cụ thể hơn tới người dân.
Liên quan đến việc kiểm soát chất cấm Salbutamol và Clenbuterol trong chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, đơn vị này đã hoàn thiện mẫu que thử nhanh, có thể phát hiên lợn nhiễm chất cấm trong vòng 5 phút. Trong tháng 10, Cục sẽ trình Bộ NN&PTNT Thông tư 57 sửa đổi, bổ sung thêm phương pháp xét nghiệm này và khi đó có thể áp dụng trong thực tiễn.