Phát hiện nhiều vụ việc trong cao điểm đấu tranh xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong đợt cao điểm đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố (từ trung tuần tháng 9-2023 đến tháng 11-2023), các đơn vị thuộc Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 259 vụ, 259 đối tượng, xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Vi phạm về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp

Trong 2 tháng thực hiện cao điểm đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn như chuyên đề “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố”, “Kế hoạch phòng ngừa đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng”, “Công tác an toàn thực phẩm năm 2023”…

Kiểm tra xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng

Kiểm tra xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng

Theo đánh giá của CATP Hà Nội, hoạt động vận chuyển kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, các mặt hàng được vận chuyển, kinh doanh chủ yếu là nguyên liệu thực phẩm, phụ gia dùng trong chế biến nước giải khát, bánh kẹo, gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tiếp tục phát triển mạnh. Ngày càng có nhiều mặt hành được đưa vào thị trường tiêu thụ. Do vậy tiềm ẩn nhiều vi phạm như kinh doanh hàng hoá không có nguồn gốc, không được kiểm tra, kiểm định chất lượng, thậm chí có mặt hàng có hoá chất ngoài danh mục; quảng cáo quá công dụng, sản xuất kinh doanh hàng giả…Trong khi đó công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng này còn nhiều hạn chế.

Vi phạm trong hoạt động sơ chế, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, các cửa hàng dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ vẫn diễn ra phổ biến với các hành vi vi phạm như nhân viên không được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất chế biến bảo quản không đảm bảo để thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Xử lý nhiều vụ việc

Trong thời gian thực hiện cao điểm, các đơn vị thuộc CATP đã phát hiện, kiểm tra 259 vụ việc, xử phạt 254 vụ số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; khởi tố 2 vụ về tội sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm (rượu giả) và tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Các lỗi chủ yếu vi phạm như kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng; nhân viên không được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không sử dụng găng tay theo quy định; kinh doanh gia súc gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, không thiết lập sổ sách ghi chép để truy xuất nguồn gốc động vật.

Điển hình, ngày 13-9, Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Hà Nội phối hợp Đội QLTT số 22, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh hàng hoá tại số 340 Bờ Tây sông Nhuệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm do N.V.M (SN 1997, quê quán Nam Định) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, anh M không xuất trình giấy đăng ký kinh doanh, giấy tờ, hoá đơn chứng từ liên quan đến bánh kẹo do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiêng Việt. Tổng số 122.100 sản phẩm bánh kẹo các loại, giá trị hàng hoá là hơn 180 triệu đồng. Căn cứ hành vi vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 97 triệu đồng.

Ngày 5-10, Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Hà Nội phối hợp Đội QLTT số 15, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại ngõ 64 Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai do ông H (trú tại quận Hoàng Mai) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và niêm phong khoảng 907 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá để xác minh và xử phạt hơn 97 triệu đồng.

Ngày 9-10, lực lượng chức năng tiếp tục xử phạt 63 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh tại điểm tập kết kinh doanh hàng hoá ở xã La Phù, huyện Hoài Đức do phát hiện 111 thùng bánh kẹo do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Trong thời gian tới, phát huy vai trò của lực lượng Công an trong các Ban chỉ đạo của TP, CATP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiều biện pháp. Trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra toàn diện các lĩnh vực an toàn thực phẩm xuyên suốt từ cấp TP đến cấp xã phường.