Trong tháng 6 và tháng 7- 2016, Vinasta đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Sóc Trăng.
Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy, số mẫu không phát hiện cafein là 5/253 mẫu (chiếm 1,98%) và chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, tổng số mẫu cà phê không phát hiện có cafein hoặc có lượng cafein rất thấp, chiếm tới 30,04% trong tổng số 253 mẫu khảo sát. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người uống cà phê mà không có cà phê.
Cà phê mua từ các quán vỉa hè, căn tin bệnh viện và xe đẩy cho thấy lượng cafein nhỏ hơn rất nhiều so với các loại hình kinh doanh khác.
Riêng mẫu mua tại các quán lớn (nhà lịch sự) cho kết quả 100% số mẫu khảo sát có hàm lượng cafein lớn hơn 1000mg/L. Đối với mẫu cà phê mua tại các quán nhỏ và quán cóc, kết quả thử nghiệm cho thấy số lượng mẫu có hàm lượng cafein không phát hiện và rất thấp chiếm 27,7%.
Trong khi đó, số mẫu có hàm lượng cafein không phát hiện và rất nhỏ trên tổng các mẫu khảo sát mua tại xe đẩy, căn tin bệnh viện và vỉa hè chiếm tới 47,54%.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas cho biết: "Đợt khảo sát nhanh này mới đưa ra bức phác thảo về cà phê đang được những người bình dân uống. Cần có những nghiên cứu về nhiều chỉ tiêu hơn, ở địa bàn rộng hơn để có bức tranh đầy đủ hơn về cà phê pha ở Việt Nam, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn của đồ uống phổ biến này".
Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê "giả", được chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.