Phát hiện lượng lớn các phần mềm cài đặt bất hợp pháp
(ANTĐ) - Thanh tra Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch vừa tiếp tục tiến hành một cuộc thanh tra đột xuất nằm trong khuôn khổ Chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền phần mềm và đã phát hiện công ty xây dựng Lê Phan, ngụ tại địa chỉ 97 Nguyễn Duy Dương, phường 9, quận 5, TP HCM đã vi phạm nghiêm trọng những qui định của luật Sở Hữu Trí Tuệ.
Lê Phan là công ty đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã bị thanh tra và phát hiện vi phạm luật Sở Hữu Trí Tuệ trong năm 2010, thông qua việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền.
Tại công ty này, Đoàn thanh tra đã phát hiện một số lượng lớn các phần mềm được cài đặt trong các máy tính nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty mà chưa được phép của chủ sở hữu. Các phần mềm vi phạm bao gồm: 57 phần mềm Microsoft Window XP Professional; 49 chương trình Microsoft Office với các phiên bản khác nhau; 43 chương trình MTD 2002; 20 phần mềm Adobe Acrobat và một số phần mềm khác.
Kết quả thanh tra cho biết tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp được cài đặt sẵn trên các máy tính nói trên ước tính xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Việt Nam hiện nay vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ vi phạm phần mềm cao nhất thế giới, ở mức trên 80%. Việc sử dụng phần mềm lậu là một hành động vi phạm luật Sở Hữu Trí Tuệ khá phổ biến tại thị trường này, thông qua hình thức bán và sử dụng các phần mềm sao chép tại các cửa hàng máy tính hay các doanh nghiệp, công ty và các tổ chức.
Thực tế, phần mềm có một vai trò và ảnh hưởng tích cực trong việc phát triển kinh tế đất nước và trở thành một công cụ không thể thiếu cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực.
Việc vi phạm luật Sở Hữu Trí Tuệ của công ty Lê Phan thông qua việc sử dụng các phần mềm thiết kế lậu sẽ gây ra những tổn thất lớn và nghiêm trọng cho sự phát triển nền kinh tế quốc gia.
Hơn thế nữa, việc vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành nghề nội địa, mà còn cản trở sự sáng tạo, đổi mới.
Theo Nghị định số 47/2009/NĐ-CP được ban hành vào ngày 13 tháng 05 năm 2009 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng 07 năm 2009, qui định những người vi phạm luật bao gồm việc vi phạm luật Sở Hữu Trí Tuệ có thể bị phạt mức cao nhất lên tới 500.000.000 đồng.
Do đó, việc thực thi luật sở hữu trí tuệ là cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận hưởng những lợi ích của phần mềm có bản quyền như được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nâng cấp nhanh chóng, và quan trọng nhất là tránh được các rắc rối về mặt pháp lý, cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín và thương hiệu công ty.
Các cuộc thanh tra gần đây được tổ chức với hi vọng lên tiếng cảnh tỉnh tất cả mọi người, doanh nghiệp hay tổ chức về tầm quan trọng cũng như những lợi ích lâu dài, đồng thời, tuân thủ luật Sở Hữu Trí Tuệ thông qua việc sử dụng các phần mềm có bản quyền.
Thành Huy