Phát hiện hàng nghìn bài thi trắc nghiệm mắc lỗi kỹ thuật

ANTD.VN - Việc chấm thi trắc nghiệm bằng phần mềm chấm thi THPT quốc gia năm nay đã phát hiện và cảnh báo hàng nghìn bài thi mắc lỗi kỹ thuật cần được kiểm tra thay vì chấm điểm một cách máy móc.

ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đơn vị này đã hoàn thành chấm thi hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm của tỉnh Thanh Hóa. Việc chấm thi bằng phần mềm khiến nhiều ý kiến băn khoăn trong việc đảm bảo quyền lợi thí sinh sao cho các em không bị thiệt thòi, chấm oan khi mắc những lỗi kỹ thuật như tô đáp án mờ hoặc tẩy đáp án cũ không sạch làm cho phần mềm có thể tự đánh giá là tô đúp.

Được biết, phần mềm chấm trắc nghiệm năm nay cảnh báo được và khuyến cáo cần mở phần bài làm, phóng to và soi kỹ. Nếu đúng là do thí sinh tô mờ hoặc tẩy chưa kỹ thì người kiểm tra có thể sửa cho đúng.

Hội đồng chấm thi ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải mở, kiểm tra hàng chục nghìn bài thi và đã sửa khoảng 1.500 bài thi. Đáng chú ý, với hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm, 99,37% thí sinh đã ghi đúng và tô đúng số báo danh và mã đề thi, vẫn còn 639 trường hợp tô sai, chiếm tỷ lệ 0,63%.

Công tác chấm thi tự luận và trắc nghiệm THPT quốc gia đều được rà soát đảm bảo cao nhất quyền lợi của thí sinh

Theo Bộ GD-ĐT, những lỗi được phần mềm chấm thi nhận dạng và thông báo các bài thi bị lỗi là nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tẩy chưa hết, tô nhiều đáp án, tô sai mã đề, sai số báo danh, trùng số ở cột tô số báo danh hay thí sinh dùng bút chì tốt nhưng gôm tẩy thì không tốt nên khi điều chỉnh đáp án, xóa đáp án cũ vẫn còn dấu vết mờ, trong khi máy quét lại nhạy nên vẫn nhận diện, gây ra cảnh báo lỗi.

Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 Bộ GD-ĐT hướng dẫn, việc chấm thi vẫn thực hiện các bước gồm quét ảnh, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm thi. Phần sửa lỗi vẫn là một công đoạn trong khâu chấm thi, tuy nhiên khác với năm 2018, phần sửa lỗi trong năm 2019 được thực hiện chỉ sau khi xuất dữ liệu ra đĩa CD1.

Kết quả chỉnh sửa cùng với biên bản (tự động), bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GD-ĐT và chỉ có Bộ GD-ĐT mới có thể giải mã được đĩa CD2.

Công việc này được tiến hành dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; gửi về Bộ GD-ĐT 1 bộ đĩa để quản lý và giám sát, bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa do Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Phải báo cáo, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia khi sử dụng các bộ đĩa này.

Sau khi thực hiện xong các bước trên, Tổ chấm thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GDĐT, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và Tổ giám sát.