Phát hiện hàng loạt 'lò' độ xe quy mô lớn: Chủ 'lò' sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, hàng loạt ‘lò’ độ xe bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Không ít ‘lò’ đã và đang tiếp tay cho các hoạt động đua xe trái phép, gây rối, sử dụng xe cướp giật...Vậy theo quy định, chủ ‘lò’ độ có bị xử phạt?

Mới đây, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP. HCM (PC08) đã phối hợp với các đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra 11 tiệm sửa xe nghi độ xe, ‘lò' độ xe và cơ sở gia công, kinh doanh phụ tùng, linh kiện phục vụ độ xe trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở này đều có dấu hiệu kinh doanh thêm các dịch vụ ‘thay đổi đặc tính, kết cấu xe, độ xe’ như trang bị hệ thống đo lường công suất động cơ Dynamometer (gọi tắt là Dyno) để ‘test xe độ’;

Nhiều xe mô tô đang sửa chữa có dấu hiệu thay đổi đặc tính xe, ‘độ trái 62’, ‘độ trái 65’, không có lốc máy, không có số máy, không xuất trình được giấy đăng ký xe... và nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo PC08, việc xử lý nghiêm các ‘lò' độ xe, cơ sở kinh doanh phụ tùng không rõ nguồn gốc là bước đầu trong việc kéo giảm tình trạng đua xe trái phép.

Lực lượng CSGT kiểm tra tại một 'lò' độ xe

Lực lượng CSGT kiểm tra tại một 'lò' độ xe

Trước đó, vào tháng 7-2022, PC08 - Công an TP. HCM cũng đã đột kích và xử lý hàng loạt ‘lò' độ xe có tiếng trên nhiều địa bàn. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng còn phát hiện có tình trạng ‘độ’ xe máy cũ thành xe ‘xịn’.

Theo đó, xe máy cũ sau khi mua về được chủ cơ sở nâng cấp phụ tùng, thay đổi kết cấu, đục, xóa và thay đổi lại số khung, số máy để trở thành những xe máy mới có giá trị gấp nhiều lần rồi bán ra thị trường.

Dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt song vì lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh, mua bán xe ‘độ’, phụ tùng ‘độ’ xe khiến các chủ ‘lò’ vẫn cố tình thực hiện.

Về chế tài xử lý đối với chủ xe độ, theo khoản 1, khoản 2, Điều 55 Luật giao thông đường bộ 2008, chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khi chủ phương tiện tự ý ‘độ’ xe làm thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe sẽ bị xử phạt – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự: Phạt tiền từ 800.000-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi:

Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Do không có quy định kiểm định với xe máy, xe môtô nên để dẹp các xe độ cần thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát của CSGT. Khi phát hiện xe độ cần xử lý nghiêm và tăng cường tịch thu xe.

Với chủ ‘lò' độ xe, hiện chưa có quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện độ xe; cá nhân trực tiếp điều khiển phương tiện xe độ mà không phải là chủ xe. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2017, hoạt động kinh doanh mở tiệm sửa chữa xe của các cá nhân không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.

Do vậy, với các chủ cơ sở này, cơ quan chức năng sẽ xử lý về các lỗi như phụ tùng không hóa đơn, xuất xứ, vi phạm môi trường, PCCC…

‘Để giải quyết triệt để việc độ xe và sử dụng xe độ nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh việc nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, xử lý với các cơ sở độ xe thì công tác quản lý thường xuyên của địa phương là quan trọng nhất. Việc gắn chặt trách nhiệm kiểm tra của công an cơ sở đối với các ‘lò' độ sẽ hạn chế bớt vấn nạn này’ – Luật sư Thu nhấn mạnh.