Phát hiện F0 tại trường học, đề xuất chỉ phong tỏa diện hẹp thay vì dừng học toàn bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế cần hướng dẫn thống nhất phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học khi phong tỏa, dừng học trực tiếp trên diện rộng.
Học sinh TP Hải Dương phải tạm dừng đi học từ 8-11 vì phát hiện ca F0 trong trường học

Học sinh TP Hải Dương phải tạm dừng đi học từ 8-11 vì phát hiện ca F0 trong trường học

Nhiều địa phương đang phải điều chỉnh phương án học tập khi phát hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học sau khi quay lại học trực tiếp.

Sở GD-ĐT Hải Dương thông báo từ ngày 8/11, thành phố Hải Dương cho toàn bộ học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên chuyển sang học trực tuyến và học sinh Mầm non nghỉ học sau khi phát hiện 2 trường hợp F0 là học sinh trên địa bàn thành phố.

Tại huyện Cần Giờ, khi phát hiện học sinh Trường THCS -THPT Thạnh An dương tính từ ngày 1/11 qua test nhanh ở trường theo kế hoạch định kỳ, nhà trường đã rà soát lên danh sách khoảng 20 học sinh liên quan được theo dõi tại nhà cho học trực tuyến. Đến nay, những trường hợp này đều âm tính, sức khoẻ ổn định và huyện Cần Giờ dự kiến cho các em trở lại trường học nếu sức khỏe tốt.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, ngày 8/11, quận Kiến An đã cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn quận tạm thời nghỉ học cho đến khi có thông báo mới do phát hiện 2 trường hợp F0 là học sinh của trường THCS Bắc Hà.

Trong thời gian này, học sinh sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã đến lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh tại trường THCS Bắc Hà.

Việc dừng toàn bộ học trực tiếp hay khoanh vùng hẹp, tiếp tục cho học sinh trong trường tiếp tục học trực tiếp đang khiến nhiều địa phương lúng túng. Nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn cách thức xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 như thế nào để thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng đang ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.

Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đối với tình huống trường học xuất hiện F0, địa phương cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể thực chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.

Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh.

Hiện cả nước hiện có 28 tỉnh thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện "vùng xanh" từ 15/11.