Phán quyết cuối cùng vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác phi tang

ANTĐ - Sau nửa ngày xét xử và làm rõ các nội dung kháng cáo, cuối giờ trưa nay (11-9), TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng đối với Nguyễn Mạnh Tường. Và với các phán quyết này, vụ án TMV Cát Tường đã hoàn toàn khép lại.

Theo đó, với khẳng định bản án sơ thẩm tuyên Nguyễn Mạnh Tường về các tội “Xâm phạm thi thể, hài cốt, mồ mả” và tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là có căn cứ, đúng pháp luật nên HĐXX phúc thẩm đã quyết định bác đơn kháng cáo của chủ TMV Cát Tường, theo điểm a, Điều 248-Bộ luật TTHS.

Thay mặt HĐXX phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên xử công bố các quyết định phúc thẩm

Tương tự với khẳng định chiếc ô tô mà bị cáo Tường dùng để chở thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền đi phi tang, mặc dù là tài sản chung của cả 2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, song chị này đã đồng thuận để chồng sử dụng vào việc bất hợp pháp. Do đó, đây được coi là phương tiện, công cụ gây án nên cần phải tịch thu xung công.

Từ nhận định trên, HĐXX phúc thẩm cũng tuyên bố không chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị Hằng khi yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn trả lại nửa chiếc ô tô liên quan tới vụ án. “Trường hợp nếu có tranh chấp về chiếc ô tô này thì sẽ tòa án sẽ xem xét và giải quyết trong một vụ án dân sự khác” – vị chủ tọa phiên xử phúc thẩm khẳng định.

Trước khi đưa ra các quyết định của mình, thay mặt HĐXX, vị chủ tọa phiên tòa đã đưa ra các quan điểm đối với từng vấn đề của vụ án. Cụ thể, Tòa án Cấp cao cho rằng ở thời điểm phạm tội, Nguyễn Mạnh Tường đang là viên chức của Bệnh viện Bạch Mai. Vì thế theo Luật Khám chữa bệnh, bị cáo sẽ không được phép thành lập hoặc tham gia thành lập cơ sở khám chữa bệnh.

Chủ TMV Cát Tường - bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đứng nghe tòa tuyên án

Về việc phẫu thuật nâng ngực cho chị Huyền, chủ tọa phiên xử nhấn mạnh, mặc dù có tên gọi là TMV Cát Tường, song thực chất cơ sở làm đẹp này của bị cáo là một cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi ấy, TMV Cát Tường chưa được phép hoạt động, TMV Cát Tường cũng không được phép thực hiện các phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực, căng da mặt, da đùi… Và bản thân bị cáo Tường cũng không đủ điều kiện để thực hiện việc này.

Đối với hành vi vứt xác phi tang, tòa án nhìn nhận căn cứ vào bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án cùng lời khai của bị cáo cũng như lời khai của những người liên quan tại phiên tòa phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định Nguyễn Mạnh Tường đã xâm hại đến thi thể của chị Huyền.

Nhìn nhận về tội danh, cấp phúc thẩm khẳng định việc tòa án sơ thẩm áp dụng khoản 3, Điều 242-BLHS và đã xử phạt bị cáo 14 năm tù về tội danh này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Bởi lẽ hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Tính nghiêm trọng ấy không chỉ thể hiện ở việc chị Huyền bị tử vong mà còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng.

Cũng như chồng, kháng cáo của chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) về việc xin lại nửa chiếc ô tô tang vật cũng bị HĐXX bác bỏ.

 

Tương tự, việc TAND TP Hà Nội áp dụng khoản 2, Điều 246-BLHS và xử phạt bị cáo Tường 5 năm tù giam về tội “Xâm phạm thi thể, hài cốt, mồ mả” là hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra. Vì hành vi phạm tội của bị cáo đã làm cho thi thể của chị Huyền không còn được nguyên vẹn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm linh đối với gia đình bị hại.

Đối với kháng cáo và các tình tiết giảm nhẹ TNHS của chủ TMV Cát Tường, tòa khẳng định trước khi phiên tòa mở ra, bị cáo đã kháng cáo về tội danh khi cho rằng cấp sơ thẩm xử không đúng tội và còn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Tuy nhiên, tại tòa bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.

Điều này đồng nghĩa với việc, bị cáo Tường đã có sự chuyển biến về nhận thức đối với hành vi phạm tội của mình và thành khẩn khai nhận các tình tiết của vụ án. Mặt khác, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: gia đình có người có công với cách mạng; đã khắc phục một phần hậu quả; chưa có tiền án, tiền sự và có nhiều đóng góp cho ngành Y tế.

Thế nhưng đối chiếu với các hành vi phạm tội và hậu quả bị cáo gây ra thì tất cả các tình tiết giảm nhẹ trên cũng không có ý gì nhiều. Vì thế cần giữ nguyên các mức hình phạt tù, tương ứng với các tội danh mà bản án sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo.    

Với những phân tích, đánh giá nêu trên, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đi đến quyết định tuyên phạt bác sỹ vứt xác phi tang Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, hài cốt, mồ mả”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 19 năm tù giam.