Phần mềm hơn phần cứng

ANTĐ - Từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu ở nước ta đã tăng 8 lần. Mỗi năm tăng một lần, nhưng cũng chỉ đạt mức 1,05 triệu đồng/tháng. Nay muốn tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng theo lộ trình cũng chưa thể thực hiện được vì ngân sách còn eo hẹp, bởi để tăng lương vào năm 2013, nguồn ngân sách phải chi tới 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là 7 triệu cán bộ, công chức và khoảng 15 triệu người lao động sẽ phải ngày càng “thắt lưng buộc bụng”.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ khó có khả năng bố trí ngân sách chi cho tăng lương, đã có hai luống ý kiến. Một bên đồng tình vì trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chỉ được bố trí vốn ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối, vì thế chưa thể bố trí ngân sách năm 2013 để tăng lương. Một bên cho rằng, tuy “lỡ hẹn” tăng lương. Song vẫn cần thực hiện một phần lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%. Ngay cả việc tăng lương tối thiểu không bị “chậm tiến độ” như các công trình, thì lâu nay các chuyên gia và dư luận cũng đã nhiều lần “cấp báo”, mức lương tối thiểu hiện nay, may ra chỉ đủ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhất là hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá cả tăng thì nhu cầu sống tối thiểu càng “giảm thiểu”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo Luật Lao động sửa đổi, việc xây dựng mức lương tối thiểu phải căn cứ vào 3 yếu tố cốt lõi: nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và quan hệ cung cầu lao động. Không thể tiếp diễn tình trạng lương thưởng mập mờ, “phần mềm “cao hơn” phần cứng”. Theo công bố của Bộ Công Thương về mức thu nhập bình quân trong 17 tổng công ty, tập đoàn nhà nước năm 2011 cho thấy, cao nhất là Tập đoàn Dầu khí: 16,2 triệu đồng, Tập đoàn Điện lực: 8,6 triệu đồng, Tập đoàn Than - Khoáng sản: 7,7 triệu đồng… Quy định chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước được tăng lương năm sau cao hơn năm trước nếu doanh thu, lợi nhuận cao hơn năm trước.

Oái oăm thay, doanh thu không tăng, thậm chí lỗ to nhưng lương vẫn tăng vù vù. Đơn cử, theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2010 tại Tập đoàn Điện lực lỗ hơn 8.400 tỷ đồng, vậy mà lương bình quân năm 2011 vẫn cao hơn năm trước 300.000 đồng/người. Phương thức trả lương theo quy định là công ty tự quyết định tiền lương, thưởng người lao động phù hợp với năng suất lao động; quyết định tiền lương, thưởng cho các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc cũng rất mâu thuẫn. Các công ty sẵn sàng “vẽ” ra kế hoặc kinh doanh “hoành tráng” và quyết định mức lương cho lãnh đạo. Nếu công ty không đạt kế hoạch, thậm chí thua lỗ cũng rất khó “đòi” lại tiền lương đã chi…

Năm 2015 hy vọng sẽ tạo bước đột phá về lương tối thiểu với quan điểm: “Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người”. Cơ chế lương tối thiểu vùng sẽ được xác định bởi Hội đồng Tiền lương quốc gia. Không thể tồn tại mãi tình trạng lương, thưởng mù mờ; lương mềm hơn lương cứng. Hiện nay có tới 95% số vụ đình công xảy ra đều vì tiền lương.