Phải làm nghiêm từ gốc

(ANTĐ) - Đã nhiều chuyên đề xử lý xe tải chở đất cát rơi vãi, chạy sai giờ, sai tuyến được lực lượng CSGT triển khai nhưng kết quả cũng chỉ dừng lại ở phần “ngọn”. Việc giải quyết đến tận “gốc rễ” những vi phạm này phải được làm triệt để. Trách nhiệm đó không phải chỉ riêng CSGT.

Xử lý “hung thần” xe tải

Phải làm nghiêm từ gốc

(ANTĐ) - Đã nhiều chuyên đề xử lý xe tải chở đất cát rơi vãi, chạy sai giờ, sai tuyến được lực lượng CSGT triển khai nhưng kết quả cũng chỉ dừng lại ở phần “ngọn”. Việc giải quyết đến tận “gốc rễ” những vi phạm này phải được làm triệt để. Trách nhiệm đó không phải chỉ riêng CSGT.

>>> Kỳ 1: Đua tốc độ trong đêm

Bất chấp sự kiểm tra của CSGT, lái xe tải trên không chịu xuất trình giấy tờ, chỉ gọi điện thoại “cầu cứu”.
Bất chấp sự kiểm tra của CSGT, lái xe tải trên không chịu xuất trình giấy tờ, chỉ gọi điện thoại “cầu cứu”.

Những “nghịch lý” khó giải

Không có đầy đủ giấy tờ lưu hành phương tiện nhưng không ít lái xe tải vẫn “ung dung” hàng ngày ngồi trên vô lăng, điều khiển những “hung thần” lao ầm ầm trên đường phố. Khi bị xử phạt, lái xe tải BKS: 30U-7718 của Hợp tác xã Phú Phương chạy sai giờ nhất định không chịu làm việc với CSGT, không xuất trình bất cứ giấy tờ xe nào mà chỉ đứng gọi điện thoại nhờ can thiệp. CSGT buộc phải đưa chiếc xe về bãi tạm giữ.

Từ thực tế trên cho thấy, sự “bao bọc” và có phần thả nổi của không ít đơn vị kinh doanh vận tải với lái xe đã khiến những lái xe này coi thường luật pháp, phớt lờ Luật Giao thông và tính mạng của người đi đường.

Ngoài số xe tải không có giấy phép lưu hành trên các tuyến phố nội đô, lén lút hoạt động sai giờ, sai tuyến, hiện còn không ít đơn vị vận tải dù được cấp phép cũng hoạt động bát nháo. Thủ đoạn “gài” thêm vài chiếc xe tải không có giấy phép có cùng chủng loại, trọng tải để trà trộn chạy cùng với những chiếc xe có giấy phép được những đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng không phải là chuyện hiếm gặp. Hợp tác xã Vận tải Phú Phương là một ví dụ. Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty vận tải như Hưng Hà, Anh Tùng, Thành Đạt, Sông Đà... khi bị CSGT kiểm tra xử lý, nhiều lái xe đã viện dẫn những lý do hết sức vô lối như “chạy nhầm” xe để chống chế cho vi phạm.

“Dọn” sạch “hung thần”

Xử lý nhiều nhưng xe tải vi phạm vẫn không hết.
Xử lý nhiều nhưng xe tải vi phạm vẫn không hết.

Sau những vi phạm về hoạt động xe tải, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 11 xử lý những vi phạm liên quan đến xe tải trên toàn thành phố. Bên cạnh việc kiểm tra vào những giờ, tuyến phố cấm, liên tiếp trong các đêm từ đầu tháng 4 đến nay, ở các tổ công tác đều có ít nhất một đồng chí chỉ huy phòng trực tiếp đi “dọn” vi phạm của xe tải với CBCS phụ trách địa bàn.

Ở các quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, Từ Liêm… nơi diễn ra mạnh mẽ hoạt động xây dựng các công trình lớn, lực lượng CSGT phụ trách địa bàn được lệnh “chốt” ở tất cả các đầu mối giao thông quan trọng không để cho xe tải vi phạm lọt vào nội đô; xử lý kịp thời tránh bỏ sót.

Trung tá Ngô Minh Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 khẳng định: “Đã lập hẳn các chốt xử lý vi phạm ngay tại cổng ra vào những khu xây dựng lớn trên địa bàn”. Còn Trung tá Nguyễn Hồng Thái-Đội trưởng Đội CSGT số 4 bổ sung: “Đánh” mạnh từ đầu để tạo sự răn đe”.

Sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các Đội CSGT trên toàn thành phố đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Tính từ đầu tháng 4 tới nay, 2.284 trường hợp xe tải vi phạm đã bị lực lượng CSGT xử phạt, trong đó tập trung chủ yếu vào các lỗi chạy sai giờ, sai luồng tuyến quy định và chở đất cát rơi vãi trên đường. 1.353 bộ giấy tờ và gần 100 xe tải đã bị CSGT tạm “nhốt”.

Buộc chặt trách nhiệm

Cần phải nói thêm rằng, việc xử lý vi phạm về xe tải trước đó đã được Phòng CSGT triển khai từ đầu năm 2010. Sau mỗi lần ra quân, vi phạm lại “trước sau như một”. Thực tế cho thấy, sự đơn độc của CSGT không thể chặn đứng hết được tất cả vi phạm.

Hiện vẫn còn rất nhiều xe tải nghênh ngang vi phạm giờ, tuyến là minh chứng rõ nhất cho việc xử lý khó khăn của CSGT. Chả thế mà Trung tá Nguyễn Hồng Thái-Đội trưởng Đội CSGT số 4 đã từng than thở: “CSGT không thể đêm nào cũng thức trắng để đi bắt xe tải. Những vi phạm này rõ ràng các cơ quan chức năng như Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Xây dựng... cũng có phần trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Bắc Hà-Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ thanh kiểm tra chất lượng, những quy tắc liên quan đến hoạt động xây dựng trong khu vực công trường thi công. Nếu những xe tải này trước khi xuất ra khỏi công trường không đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu vệ sinh môi trường… thì chúng tôi sẽ xử lý”.

Thượng tá Đào Vịnh Thắng-Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt nêu quan điểm, thành phố nên siết chặt lại các khâu cấp giấy phép đặc biệt cho xe tải trong những giờ cao điểm.

Còn đại diện của Sở Giao thông vận tải Hà Nội dù không cho biết cụ thể số lượng phương tiện xe tải được cấp giấy phép đặc biệt để chuyên chở vật liệu xây dựng nhưng cũng khẳng định, đơn vị đã phối hợp với CSGT, Thanh tra Sở Xây dựng bước đầu đi kiểm tra, xử lý một số điểm, công trình xây dựng nếu có vi phạm.

Còn về khâu cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho phương tiện thì đơn vị thực hiện công khai, đúng quy trình, không hề có sự “mua bán” hay thỏa thuận “ngầm” giữa các chủ doanh nghiệp vận tải với Sở Giao thông vận tải. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải than thở rằng, không hề dễ dàng để có được tấm giấy phép theo đúng quy trình. 

Hoàng Phong