Phải làm gì khi con gái bị “chồng hờ” xâm hại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Sau khi ly hôn chồng, tôi chung sống với một người đàn ông nhưng không đăng ký kết hôn từ năm 2018 đến nay. Tôi và chồng cũ có với nhau 1 con chung tên Hoàng H.A. Cháu sống với tôi và người chồng không hôn thú. Tôi và chồng mới cũng có 1 con chung tên Nguyễn P.A. Khi khai sinh, cháu P.A mang họ của tôi và chỉ có tên tôi trên giấy khai sinh. Quá trình chung sống, chúng tôi không có mâu thuẫn gì. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, do người chồng không hôn thú của tôi mất việc làm, chỉ ở nhà phụ giúp gia đình nên thường xảy ra ghen tuông và thỉnh thoảng đánh đập tôi. Có một lần do tình cờ xem lại video giám sát ở nhà, tôi thấy cháu H.A đi học về thì bị chồng tôi nằm đè lên người ở võng ngoài nhà. Anh ta còn sờ soạng vào những phần “nhạy cảm” của con gái tôi nhưng sờ qua lớp quần áo. Trước tình hình đó, tôi đã quyết định nói lời chia tay và ba mẹ con tôi về ở với ông bà. Xin hỏi luật sư, giả sử người chồng không hôn thú đến nhà bố mẹ đẻ tôi bắt con trai tôi (con chung) đi thì có được không? Tôi có thể làm gì anh ta nếu việc đó xảy ra? Hành động của anh ta đối với cháu H.A như nêu trên có phạm tội gì không? Nguyễn Thị Thanh (Vĩnh Phúc)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưa Đại Nghĩa. P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưa Đại Nghĩa. P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Trước hết, chúng tôi xin chia sẻ với hoàn cảnh và điều kiện của 3 mẹ con bạn. Về những vấn đề bạn đề cập, chúng tôi xin đưa ra quan điểm của mình như sau.

Thứ nhất là về tình huống giả sử người chồng không hôn thú đến nơi ở của mẹ con bạn đón con trai bạn đi và bạn phải làm gì nếu gặp phải tình huống này... Chúng tôi xin trả lời ngay rằng, người chồng không hôn thú của bạn không được phép tới nhà bố mẹ đẻ bạn gây sức ép để đưa con trai của bạn đi đâu được nếu không có sự đồng ý của bạn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ về mặt pháp lý, căn cứ vào Giấy khai sinh của cháu P.A thì bạn đang là người đại diện theo pháp luật đương nhiên của cháu và người chồng không hôn thú kia không hề có mối quan hệ nào với cháu P.A.

Thứ hai, nhà của bố mẹ bạn là quyền bất khả xâm phạm theo quy định tại Điều 22 - Hiến pháp. Trường hợp người chồng không hôn thú của bạn tự ý vào mà không được sự đồng ý của bố mẹ bạn là hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp và tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tiếp đến là việc thực hiện giải quyết tranh chấp về nuôi con của nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ai được tự ý thực hiện theo ý mình. Cụ thể, theo quy định tại khoản 7, Điều 28 - Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Vì vậy, nếu người chồng không hôn thú của bạn muốn được nuôi cháu P.A thì anh này cần phải thực hiện việc khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền. Sau khi có bản án tuyên bố người chồng không hôn thú của bạn được nuôi cháu P.A thì anh ta mới có quyền yêu cầu bạn trao lại bé P.A để chăm sóc, nuôi dưỡng. Trường hợp bạn không tự nguyện giao con trai theo đúng nội dung bản án đã tuyên thì người chồng không hôn thú của bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thi hành cưỡng chế quyết định của tòa án để anh ta được nuôi dưỡng cháu Phúc Anh, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 - Luật Thi hành án dân sự 2008.

Cần ngăn chặn hành vi xâm phạm thân thể trẻ em (Ảnh minh họa)

Cần ngăn chặn hành vi xâm phạm thân thể trẻ em (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, Điều 81 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Do đó, trong trường hợp nếu người chồng không hôn thú của bạn thực hiện các thủ tục khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu được nuôi cháu P.A mà con chưa đủ 36 tháng tuổi thì bạn vẫn là người được ưu tiên nuôi dưỡng, chăm sóc con chung... Giả sử nếu người chồng không hôn thú của bạn tới nhà bố mẹ bạn và có các hành vi không nhã nhặn, đập phá cổng, cửa để vào nhà, rồi đưa cháu P.A đi thì bạn hoặc người thân của bạn cần gọi điện, trình báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được bảo vệ.

Về hành vi của người chồng không hôn thú đối với cháu H.A thì do chúng tôi không có điều kiện quan sát đoạn video theo như bạn nói nên không có cơ sở khẳng định hành vi của anh ta đối với con gái bạn có phạm tội không. Tuy nhiên, trên cơ sở bạn miêu tả, có thể thấy hành vi đó có dấu hiệu của tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”, theo quy định tại Điều 146 - Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi này được hướng dẫn cụ thể tại khoản 3, Điều 3 - Nghị quyết số 06/2019 Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, ”Dâm ô” quy định tại khoản 1, Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục”. Các hành vi đó có thể là: Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)...

Trên cơ sở các hành vi cụ thể viện dẫn nêu trên, bạn cần đối chiếu với các hành vi thực tế mà người chồng không hôn thú của bạn đã thực hiện đối với cháu H.A để xác định một cách chính xác. Trường hợp nhận thấy anh ta có một trong các hành vi của tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi” thì bạn gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi xảy ra sự với con gái bạn để được pháp luật bảo vệ.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922