Phải kéo giá ảo xuống

ANTĐ - Những chính sách để vực dậy nền kinh tế thoát khỏi khó khăn hiện nay đã thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Định hướng chỉ đạo đã vạch ra, giải pháp đã có, vấn đề là các bộ, ngành và hệ thống ngân hàng sẽ triển khai như thế nào? Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng có “nhập cuộc” nhanh chóng và triển khai cụ thể, rốt ráo hay không?

Nổi bật trong một số giải pháp quan trọng là mở rộng tín dụng cho vay mua nhà khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án bất động sản để cung cấp tín dụng dài hạn cho người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Ngay trong quý I này, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang để mua, thuê nhà ở xã hội và thương mại với diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cho vay đối với các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi dự án phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ hợp lý phù hợp với nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ từ 20.000-40.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước cho người dân vay mua nhà với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đã vào cuộc hỗ trợ thị trường bất động sản, dành 19.500 tỷ đồng cho vay cá nhân mua, thuê nhà ở xã hội. Riêng năm 2013 sẽ giải ngân khoảng 3.000 tỷ đồng cho vay cá nhân thu nhập thấp, trung bình có nhà ở hoặc có nhà mà diện tích dưới 8m2 sàn/người. Mức cho vay tối đa 85% giá trị nhà, thời hạn vay 15 năm, lãi suất bằng 90% lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.

Ngoài ra, Ngân hàng này còn dành tới 10.500 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015 đối với dự án nhà ở thương mại, xã hội có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cũng đã trình Chính phủ đề án thành lập Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia ngay trong quý II-2013 để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản, kích thích sản xuất, lưu thông hàng hóa. Rõ ràng là, trong bối cảnh nền kinh tế trầm lắng, thị trường bất động sản đông cứng, những giải pháp giải cứu cùng với những khoản tiền không nhỏ rót vào thực sự rất cần thiết và cấp bách.

Dẫu vậy, một số chuyên gia kinh tế cũng như một vài người trong cuộc vẫn tỏ ra băn khoăn, lo ngại bởi chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề mà bất động sản đang phải đối mặt. Gói giải pháp, chính sách giảm lãi suất, giảm giá, hỗ trợ vốn vay sẽ khó phát huy tác dụng nếu không lấy lại được niềm tin của người mua có nhu cầu thực. Do đó cần xây dựng “sản phẩm tài chính” dài hạn nhằm hỗ trợ số đông người dân có thể tiếp cận sản phẩm nhà ở. Sản phẩm tài chính cần được tính toán dựa trên thu nhập của người dân mà họ có thể tích lũy hàng tháng. Ngân hàng cần kéo dài thời gian thanh toán lãi suất cho người vay mua nhà 30-40 năm.

Niềm tin vào thị trường bất động sản vẫn yếu, muốn khắc phục còn rất nhiều việc phải làm. Mấu chốt là kéo được giá “ảo” xuống chạm đúng mức giá trị thực, thì thị trường sẽ không còn “sốt nóng” hay “sốt rét”.