Phải giám sát "công bộc" của dân

ANTD.VN - Chuyện các cơ quan, đơn vị tổ chức đi nghỉ mát trong dịp hè là hết sức bình thường, không có gì đáng ồn ào, với điều kiện công việc được sắp xếp hợp lý, đảm bảo có người ứng trực, giải quyết. 

Còn khi người dân tìm đến cơ quan công quyền để làm thủ tục hành chính nhưng gặp cảnh cửa đóng then cài, bốn bề vắng ngắt vì cán bộ đi nghỉ mát lại là chuyện đáng bàn. Đây là chuyện không mới nhưng dường như năm nào cũng xảy ra, nhất là các cơ quan công quyền cấp địa phương.

Đơn cử như ngày 12-7 mới đây, Báo Tiền Phong đưa tin, người dân đến giao dịch tại trụ sở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hết sức bức xúc vì hầu hết các phòng, ban đóng cửa đi nghỉ mát, không có lãnh đạo UBND xã nào trực để giải quyết công việc.

Trước tiên phải khẳng định rằng, việc cán bộ công chức  làm không tròn bổn phận, chức trách, gây khó dễ cho dân đã là khó chấp nhận, huống hồ việc cả phòng ban, thậm chí cả đơn vị đi nghỉ mát trong những ngày làm việc bình thường thì đó là cách coi thường người dân, coi thường dư luận và coi thường cả hàng loạt văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Có thể nói, chính quyền cơ sở là nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền được đo bằng chính sự hài lòng của người dân. Sự hài lòng đó khó có thể có được khi những cán bộ công chức, viên chức giải quyết công việc với dân, với doanh nghiệp bằng thái độ ban ơn thay vì phục vụ, thiếu trách nhiệm theo kiểu “lấy hành làm chính”.  

Bên cạnh những nỗ lực cải cách hành chính, vấn đề tác phong, lề lối cũng như tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức - những “công bộc” của dân cũng cần phải thường xuyên được giám sát thông qua kiểm tra, thanh tra công vụ. Đây chính là biện pháp để giữ kỷ cương hành chính, góp phần xây dựng một nền hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ như Chính phủ đề ra. 

Khi công tác kiểm tra, thanh tra công vụ được thực hiện thường xuyên, những biểu hiện thiếu trách nhiệm được nhắc nhở, xử lý thì tình trạng cả một cơ quan đóng cửa đi nghỉ mát như đã nêu ở trên sẽ khó xảy ra. Một khi ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức được nâng lên thì tình trạng  bỏ bê công việc cũng nhờ đó sẽ được ngăn chặn tốt hơn.

Và quan trọng hơn là người dân sẽ thêm tin tưởng vào hệ thống chính quyền khi những cán bộ công chức, viên chức thiếu trách nhiệm bị kỷ luật, xử lý. Những cán bộ công chức, viên chức khác cũng sẽ coi đó là gương soi để thay đổi thái độ làm việc, nâng cao chất lượng giải quyết công việc.