Phải có chế tài để ngăn tình trạng người đấu giá trả giá cao nhưng khi trúng thì lại “bùng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng đấu giá tài sản nhưng sau đó lại “bỏ của chạy lấy người”.
ĐBQH Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 8-11

ĐBQH Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 8-11

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tham gia đóng góp ý kiến tại tổ 1 (đoàn ĐBQH Hà Nội), Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội bày tỏ quan điểm cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo Tờ trình, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật trong bối cảnh hiện nay cũng đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

ĐBQH Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, việc sửa luật này nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những tồn tại, bất cập đã được chỉ ra.

Giám đốc CATP Hà Nội nêu thực tế, thời gian qua vẫn còn tình trạng người tham gia đấu giá trả giá rất cao nhưng khi trúng đấu giá rồi thì “bùng”, không mua tài sản. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá.

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, dự thảo luật cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng đấu giá tài sản nhưng lại “bỏ của chạy lấy người”. Bởi nếu khi nhà đầu tư trúng giá rồi sau đó lại bỏ cuộc thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công tác đấu giá, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư chân chính khác.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận tổ

ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận tổ

Cũng tại tổ Hà Nội, một số ĐBQH khác có chung quan điểm khi cho rằng, cần phải quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của người tham gia đấu giá. Tuy vậy, vẫn có những quan điểm khác nhau liên quan đến điều luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39 liên quan đến người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước chặt chẽ hơn....

Bà Lan góp ý thêm, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi theo bà, người thật sự có nhu cầu tham gia đấu giá thì họ cơ bản có đủ tiền để mua. Vì thế, việc nâng mức đặt giá được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”.

Ngược lại, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nếu tăng tiền đặt cọc để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá thì không phù hợp với thực tế. Bởi nếu tăng tiền đặt cọc thì lại hạn chế người tham gia đấu giá khi họ phải huy động nguồn tài chính lớn.

Chung quan điểm này, ĐBQH Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức nâng tiền đặt cọc trước khi tham gia đấu giá.

Theo ông Ấn, với những tài sản đấu giá là bất động sản, một khu đất, giá trị tài sản là rất lớn nên nếu tăng tiền đặt cọc trước lên 10% thì áp lực huy động vốn rất lớn và có thể hạn chế người tham gia đấu giá.