Phải bóc gỡ những "tập đoàn lợi ích"

ANTD.VN - Tuần qua, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phải có công văn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ vì cá nhân ông cũng như nhiều lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các sở, ngành của tỉnh bị đe dọa khi bày tỏ sự cương quyết kiến nghị dừng dự án nạo vét, khai thác cát trên sông Cầu.

Có thể nói đây là một trong những thông tin chấn động liên quan tới hoạt động khai thác cát suốt những năm qua. Việc người dân cũng như lực lượng chức năng đổ máu trong cuộc chiến chống “cát tặc” không phải hiếm. Nhưng lần này, thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra cho thấy sự táo tợn, liều lĩnh thách thức cả hệ thống chính quyền một tỉnh.

Những thông tin này còn phần nào cho thấy bóng dáng của một hệ thống lợi ích nhóm. Ngay lập tức, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương xác minh để làm rõ có hay không việc các đối tượng đứng sau “bảo kê”, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh. Thực hư sẽ được làm rõ nhưng vấn đề mà người dân và dư luận mong muốn là qua sự việc này cần có giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng nạn “cát tặc”.

Suốt nhiều năm qua, nạn “cát tặc” lộng hành cày nát những lòng sông khiến đời sống của người dân không còn yên ả. Tiếng tàu hút cát ầm ĩ suốt ngày đêm mang lại nỗi kinh hoàng bởi những tai họa không lường từ hoạt động này luôn rình rập. Những mái nhà, những bãi bờ, những thửa ruộng màu mỡ bị dòng nước nhấn chìm, công trình quốc gia như đê kè chắn lũ cũng cùng chung số phận. Tình hình sản xuất, tình hình an ninh trật tự vì “cát tặc” mà trở nên hết sức phức tạp.

Ở nhiều nơi, người dân lập nên những tổ đội chống nạn “cát tặc”. Món lợi từ cát khiến những kẻ tổ chức khai thác sẵn sàng chống trả, hành hung người dân. Trong khi đó, chính quyền ở những địa phương này cũng tỏ ra bất lực. Câu hỏi được người dân đặt ra là vì sao chính quyền lại bất lực trước những đối tượng này? Bất lực vì thiếu công cụ trong tay, hay bất lực vì một lý do nào khác chưa thể điểm mặt chỉ tên? 

Trong cuộc chiến này, nếu không đủ dũng cảm gọi tên lý do khiến chính quyền các địa phương bất lực thì chắc chắn nhân dân sẽ là người thua cuộc cuối cùng. Chính vì vậy, cần phải tìm cho ra những ai là người bao che, “chống lưng”, “bảo kê” cho hoạt động khai thác cát.

Tại cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: “Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm. Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này”.

Ai, thế lực nào đang “bảo kê”, đang “chống lưng” cho “cát tặc” lộng hành? Câu hỏi này cần phải được trả lời thỏa đáng, không riêng ở tỉnh Bắc Ninh mà tại tất cả các địa phương đang có nạn “cát tặc” lộng hành. Người dân mong chờ “tập đoàn lợi ích” này được bóc gỡ, để trả lại sự yên bình cho những dòng sông.