Phá vỡ vòng luẩn quẩn

ANTĐ - "Nghèo đói, thất học, mù chữ - Thất học, mù chữ, nghèo đói". Đó chẳng khác nào chiếc vòng luẩn quẩn đang quấn quanh số phận của khoảng 775 triệu người nghèo trên thế giới.

Một lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em nghèo ở Senegal

Thế giới đã bước sang thế kỷ 21 tràn ngập ánh sáng văn minh của giáo dục, khoa học và công nghệ song nghịch lý cho thấy mù chữ vẫn là một nỗi đau đầu với nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới. Chính vì thế mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã tổ chức hội nghị quốc tế Nhân Ngày Quốc tế xoá mù chữ (8-9) tại trụ sở ở Paris (Pháp) với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 40 quốc gia có tỷ lệ người mù chữ cao nhất thế giới.

Trong 2 ngày 6 và 7-9, 41 vị bộ trưởng và quan chức cấp cao ngành giáo dục đến từ các nước có tỷ lệ người mù chữ cao nhất đã tập trung thảo luận các biện pháp chống nạn mù chữ, chia sẻ kinh nghiệm xoá mù chữ... Hội nghị đã đặt ra mục tiêu phải thực hiện được yêu cầu giảm 50% tỷ lệ mù chữ trên toàn cầu vào năm 2015 được ghi trong Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà LHQ đã đề ra.

Theo số liệu thống kê của UNESCO, mặc dù các nước cùng cộng đồng quốc tế đã đầu tư nguồn tài chính và công sức không nhỏ vào các chiến dịch chống mù chữ, song hiện trên thế giới vẫn còn tới 775 triệu người không biết đọc, biết viết, và 85% số người mù chữ trên thế giới đang sinh sống tại 41 quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. 

Đáng suy nghĩ là khu vực châu Á vốn đạt được những thành tựu lớn về phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm qua song lại có số người mù chữ cao nhất toàn cầu. Trong đó, số người mù chữ ở 5 nước tốp đầu gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Ai Cập lên tới trên 400 triệu người, chiếm gần 60% tổng số người mù chữ toàn cầu. 

Tại hầu hết các nước đang phát triển, chất lượng giáo dục cơ sở thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến số người mù chữ tiếp tục tăng cao. UNESCO cho rằng, nếu không có sự can thiệp quyết liệt để cải thiện tình hình, những con số đáng báo động này sẽ khó thay đổi. 

Xóa mù chữ, theo UNESCO, cần là mục tiêu trọng tâm của chương trình quốc tế đầy tham vọng nhằm phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người vào năm 2015. Mù chữ gắn liền với các thách thức xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về thu nhập, không tôn trọng quyền con người và người nghèo bị gạt khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Xóa mù chữ sẽ giúp con người tiếp cận nhiều cơ hội mới để phát triển và tham gia vào xã hội với những cách thức mới.

Một trong những trọng tâm của các chiến dịch xoá mù chữ thời gian qua là "biết chữ và trao quyền cho phụ nữ". Trọng tâm này nhằm nhấn mạnh sự cấp bách của việc xóa mù chữ cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới hiện có tới hơn 50% trong tổng số 67,4 triệu trẻ em không được đến trường là trẻ em gái và hơn 2/3 trong tổng số 775 triệu người trưởng thành không biết chữ là phụ nữ.

UNESCO cho rằng, thế giới phải nỗ lực hơn nữa để xóa mù chữ vì mù chữ và nghèo đói là 2 vòng luẩn quẩn ràng buộc lẫn nhau khó phá vỡ để phát triển.