PCI 2011: Rút ngắn khoảng cách cạnh tranh

ANTĐ - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2011 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước qua cảm nhận của gần 7.000 doanh nghiệp đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 23-2. Hà Nội đã tiến lên 7 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.

Yêu cầu của doanh nghiệp về môi trường đầu tư ngày càng khắt khe

Nhiều cải thiện trong điều hành

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền địa phương. Chỉ số PCI có trọng số năm 2011 ở các tỉnh trung vị (tỉnh giữ vị trí giữa bảng xếp hạng) là 59,15 điểm- số điểm cao nhất từ khi PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009. Các tỉnh xếp ở cuối bảng xếp hạng tăng điểm và các tỉnh ở đầu bảng giảm điểm đã thu hẹp sự biến động của chỉ số PCI. Một số lĩnh vực có cải thiện đáng kể là: thời gian xin cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận giảm đi; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nhiều hơn; Tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh dễ dàng hơn (bản đồ quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng); Thời gian thực hiện thủ tục hành chính sau khi đăng ký kinh doanh giảm, yêu cầu chi các khoản không chính thức của cán bộ nhà nước giảm đáng kể và mức độ hài lòng về chất lượng lao động tăng lên.

So sánh PCI năm 2009 và 2011 có thể thấy, các tỉnh xếp hạng cao năm 2009 có sự tăng nhẹ điểm ở các chỉ số thành phần như: chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý nhưng lại giảm điểm ở các mặt khác. Cùng với đó, các tỉnh xếp hạng thấp năm 2009 lại có sự cải thiện đáng kể trên mọi chỉ số thành phần ngoại trừ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, dường như các địa phương thành công từ những thời kỳ đầu cải cách của Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình trong khi các tỉnh khác vẫn có thể gia tăng điểm nhờ áp dụng cải cách ở các lĩnh vực tương đối dễ thực hiện.

Nhưng thiếu đột phá

Theo báo cáo PCI 2011, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long… từng là các địa phương xếp thứ hạng cao tại bảng xếp hạng các năm trước lại tụt hạng trong năm qua do tính năng động của những tỉnh này giảm xuống, từ 6,73 điểm năm 2009 xuống còn 5,9 điểm năm 2011. Hạn chế trong việc ra quyết định, khả năng hoạt động độc lập để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân là yếu tố lớn gây sụt giảm điểm số của những địa phương này. Thái độ của lãnh đạo chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp tư nhân cũng ít tích cực hơn, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp. Ông Trần Hữu Huỳnh- Tổng thư ký VCCI cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo các tỉnh này nếu không có cải cách mạnh mẽ thì tụt hạng nhưng điều đó vẫn xảy ra”.

Một điểm băn khoăn khác của các doanh nghiệp hiện tại là tính minh bạch chưa cao, trong đó quan hệ cá nhân vẫn có vai trò quan trọng. Có 75% doanh nghiệp (tăng gần 20% so với năm 2007) cho biết, cần phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận tài liệu pháp luật và kế hoạch. Theo ông Đậu Anh Tuấn, tính minh bạch tăng sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh nhưng các năm qua vẫn ở dưới mức trung bình. “Nhiều địa phương quan tâm thu hút đầu tư, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhưng khi doanh nghiệp đến tìm hiểu thông tin thì lại khó tiếp cận”- ông Tuấn nói. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thân quen hơn là doanh nghiệp có năng lực kinh doanh giỏi. Các doanh nghiệp cũng phải đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc xây dựng các mối quan hệ trong khi có thể sử dụng nguồn lực đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh.

Hà Nội thăng hạng

Tăng 2,55 điểm so với năm 2010, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2010. Trong đó, điểm số cho tiêu chí gia nhập thị trường đạt 8,97 điểm, tăng mạnh so với đợt khảo sát lần trước. Điểm số về tiếp cận đất đai đạt 4,94 điểm, thể chế pháp lý 5,80 điểm đều tăng mạnh. Các chỉ số thành phần khác như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính minh bạch không có sự cải thiện. Vấn đề đào tạo nhân lực của Hà Nội bị giảm điểm so với năm 2010. So sánh các chỉ số thành phần với các địa phương xếp thứ hạng cao, Hà Nội có nhiều tiêu chí được đánh giá cao hơn các địa phương này. Tuy nhiên, xét về tổng thể, sự cải thiện trong điều hành của từng mặt lại chưa ấn tượng với doanh nghiệp.

Theo đánh giá cá nhân, ông Đậu Anh Tuấn cho hay: “So sánh với 2 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2011 là Lào Cai và Bắc Ninh, Hà Nội có nhiều lợi thế hơn về ứng dụng công nghệ thông tin, sân bay, đường giao thông, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao. Những lợi thế này không nơi nào có được như Hà Nội”. Tuy nhiên, có thể do doanh nghiệp đã tìm hiểu địa phương này lâu nên sức hấp dẫn không được như tỉnh khác. Ông Tuấn ví dụ, Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc không thuận lợi giao thông, hạ tầng, nhân lực, nhưng mô hình điện tử liên thông lại gây chú ý các nhà đầu tư. Website của Lào Cai có phần hỏi - đáp cập nhật và lượng truy cập rất lớn. Điều đó không có nghĩa Lào Cai hấp dẫn đầu tư số 1 cả nước nhưng chứng tỏ chất lượng điều hành của tỉnh này trong lĩnh vực kinh doanh đã tăng lên.