Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề BOT tù mù từ "hộp đen" của nó

ANTD.VN - "Nếu không có sức ép của dư luận xã hội thì liệu anh có điều chỉnh hay không, hay đó là “hộp đen” để trục lợi. Tôi cho đó là cái gốc của vấn đề BOT mà Quốc hội phải giám sát", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội xung tranh chuyện từ “phí” sang “giá” BOT giao thông đang được người dân quan tâm, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Theo tôi, giá là cái gì của mình bán hoặc dịch vụ cho người khác. Phí là cái mình thu trên việc dịch vụ người ta”.

Song theo ông Dương Trung Quốc, sâu xa của vấn đề nằm ở khâu quản lý chứ không phải là từ ngữ: "Đường có phải của doanh nghiệp đâu vì đất làm đường là của nhà nước. Một con đường hoàn toàn mới cũng không phải của doanh nghiệp. Anh có quyền tính toán, gọi phí hay giá cũng được, nhưng phải tính trên cơ sở anh bỏ bao nhiêu tiền đầu tư, được thu bao nhiêu để đảm bảo lợi ích chính đáng của anh, đồng thời phải cân đối với năng lực chi trả của người dân tại các thời điểm chi trả rất cụ thể. Cái này cơ quan quản lý Nhà nước phải ngồi tính, đưa ra một công thức".

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng sâu xa của vấn đề BOT không nằm ở từ ngữ

Đại biểu Đồng Nai dẫn lại câu chuyện của bản thân khi ông gặp người dân đang bức xúc tại BOT ở Hòa Bình, người dân nói tán thành việc đi qua BOT phải trả phí nhưng phải minh bạch ra.

Theo ông Dương Trung Quốc, một yêu cầu rất đơn giản là mỗi chỗ thu phí BOT đó có công bố nhà đầu tư bỏ bao tiền, cách chi trả của Nhà nước như thế nào hoặc có thể có một phép đếm ngược số tiền đó bao nhiêu lâu thì hết, để người dân có thể giám sát được. “Vấn đề BOT tù mù từ gốc của nó, từ cái “hộp đen” mà Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm”, đại biểu chỉ ra.

Ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta điều chỉnh bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc. Lẽ ra phải cách chức người có thỏa thuận gây hại cho Nhà nước, chứ doanh nghiệp nào chả muốn khai thác sao cho có lợi nhất cho họ.

Đừng trách doanh nghiệp nhiều, có trách thì nói về văn hóa, đạo đức doanh nghiệp thôi chứ còn về pháp lý, lỗi ở quản lý nhà nước mà không thấy một lãnh đạo ngành giao thông đường bộ nào chịu trách nhiệm cả. Cuối cùng vẫn xem BOT như một thành tích, nào là rút ngắn thời gian, bớt được tiền bạc. Nếu không có sức ép của dư luận xã hội thì liệu anh có điều chỉnh hay không, hay đó là “hộp đen” để trục lợi?

Tôi cho đó là cái gốc của vấn đề BOT mà Quốc hội phải giám sát. Còn nếu phát hiện có âm mưu để chia chác thì phải xử lý bằng luật pháp, vì sao cuối cùng vô can? Đó là điều khó hiểu nhất. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, trách doanh nghiệp 1 phần thôi còn trách nhiệm chính thuộc về quản lý Nhà nước”.

Trước câu hỏi: “Ông có nêu vấn đề này khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT trong phiên chất vấn đầu tuần tới không?”, đại biểu Dương Trung Quốc từ chối tiết lộ câu hỏi dự kiến chất vấn vì “muốn tạo bất ngờ” cho người đứng đầu ngành giao thông.

 "Nên sớm có luật về ngôn ngữ"

Từ việc chuyển từ “phí” chuyển thành “giá” ở lĩnh vực BOT giao thông cho đến chuyện Bộ Giáo dục đào tạo đề xuất chuyển thuật ngữ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” tạo tranh cãi, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng nên sớm có luật về ngôn ngữ. 

"Cho tới bây giờ chúng ta đã có bộ từ điển thực nghĩa đâu, trong khi nước ta có bộ di sản ngôn ngữ rất lớn từ chữ Hán, Nôm, Hán Việt… Cũng vì chưa có bộ ngôn ngữ chuẩn nên dẫn đến sử dụng chưa chuẩn, thậm chí tùy tiện. Hệ thống ngôn ngữ pháp luật chưa chuẩn cho nên có tác động nhất định, từ một chữ người ta có thể suy diễn rất nhiều nghĩa. Phải chuẩn mực tất cả những cái đó. Giá là gì, phí là gì, hôm nay ông này giải thích kiểu này, theo kiểu hiểu của mình, mai lại có cách giải thích khác…”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.