Ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tâm điểm của Đối thoại Shangri-La 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 năm 2022 được xem là cơ hội để kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dường vốn đang chịu ảnh hưởng của xu hướng đa cực đồng thời tìm kiếm, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới để giải quyết các bất đồng.

Diễn đàn quy mô lớn nhất trong nhiều năm

Sau 2 năm buộc phải hủy do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 năm 2022 được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 10 đến 12-6. Kể từ lần đầu tiên năm 2002 đến nay, đối thoại này luôn diễn ra tại khách sạn 5 sao Shangri-La của Singapore. Đây là sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), một tổ chức nghiên cứu chính sách và chiến lược lớn có trụ sở tại Thủ đô London, Anh.

Tình hình hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2022

Tình hình hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2022

Tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La có thể được ví như là một diễn đàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đối thoại là nơi cung cấp một diễn đàn để các đại biểu phát biểu ý kiến cũng như trao đổi suy nghĩ về các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực. Đây cũng là cơ hội cho các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương giữa các nguyên thủ và quan chức nhằm thắt chặt quan hệ đối tác, đàm phán cơ hội hợp tác hoặc giải quyết những bất đồng còn đang tồn đọng.

Theo Ban tổ chức, Đối thoại năm nay có quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, các chuyên gia quốc phòng - an ninh... từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ dự và phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 ngày 11-6 với chủ đề về hiện đại hóa quân sự.

Đối thoại năm nay chứng kiến sự hiện diện đầu tiên sau 8 năm của Thủ tướng Nhật Bản. Ông Kishida Fumio là diễn giả chính, phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc tối 10-6. Với Trung Quốc, sau 8 năm vắng mặt, đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự đối thoại. Ông Ngụy Phượng Hòa sẽ phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực.

Đối thoại diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Tranh chấp ở Biển Đông, xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh và tính toán lại quá trình hiện đại hóa quốc phòng, tiềm ẩn nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề thảo luận như kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới, những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu, những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định khu vực...

Về chương trình nghị sự, Đối thoại Shangri-la lần thứ 19 sẽ được tổ chức với số lượng phiên họp toàn thể nhiều nhất từ trước đến nay (7 phiên) với các chủ đề: Các bước triển khai tiếp theo trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ; quản lý cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực; phát triển các dạng thức mới của hợp tác an ninh; hiện đại hóa quốc phòng và năng lực quân sự mới; tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực; các thách thức chung đối với an ninh-quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu cùng các ý tưởng mới nhằm đảm bảo ổn định khu vực. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đối thoại sẽ diễn ra 2 hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng và 3 phiên thảo luận song song đặc biệt về: an ninh khí hậu và quốc phòng xanh; Myanmar - Hướng đi phía trước; an ninh hàng hải - từ bộ quy tắc ứng xử đến liên lạc trong tình huống khủng hoảng.

Những vấn đề làm “nóng” Đối thoại Shangri-La 2022

Mặc dù chủ đề Đối thoại Shangri-La rất đa dạng nhưng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, tương lai mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này và những tác động với khu vực là những vấn đề nóng mà các nước đều quan tâm. Trong khi Trung Quốc lo lắng về việc Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của mình thì Washington quan ngại Bắc Kinh đang nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của họ. Đó là vấn đề cơ bản của cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.

Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh đối đầu với Trung Quốc năm 2017, bản chất cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc không hề thay đổi. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, nhất là trước tác động của những sự kiện diễn ra trong nội bộ từng nước. Với Trung Quốc là Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX, còn Mỹ là bầu cử giữa kỳ. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, “bất ngờ chiến lược” trong ngắn hạn chưa thể thuyên giảm và cùng với nó là nguy cơ rạn nứt quan hệ vẫn ở mức cao.

Với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Diễn đàn Shangri-La là cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. Bên lề hội nghị, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa còn có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Tuy nhiên, khả năng cải thiện mối quan hệ giữa hai siêu cường là rất ít.

Một vấn đề khác được quan tâm tại diễn đàn năm nay là tình hình trên Biển Đông với những diễn biến phức tạp, mới đây nhất là vụ “chạm trán” giữa máy bay Trung Quốc và Australia trên Biển Đông. Theo Giáo sư Robert Ross, trường Đại học Boston (Mỹ), trên Biển Đông, trong khi Trung Quốc lo Mỹ “can thiệp” vào tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực, thì Washington bày tỏ quan ngại việc Bắc Kinh “bắt nạt” các nước láng giềng.

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là diễn đàn để các quốc gia thành viên của ASEAN thể hiện vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Là một khu vực quan trọng với dân số gần 700 triệu người, ASEAN hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới. Với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, việc hợp tác chặt chẽ với ASEAN đang trở thành một nhu cầu thiết yếu với nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ nỗ lực khẳng định cam kết và những lợi ích lâu dài mà họ có thể mang đến cho khu vực nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác với các thành viên ASEAN.

Tận dụng cơ hội đó, ASEAN sẽ đẩy mạnh nỗ lực với những sáng kiến trong việc bảo đảm an ninh khu vực, làm sao đáp ứng đáp ứng “vai trò trung tâm” trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy hợp tác an ninh đa phương.