Châu Âu “xoay trục” chiến lược quốc phòng để đối phó với đe dọa an ninh trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau Mỹ, đến lượt nhiều quốc gia đồng minh tại châu Âu cũng thực hiện những điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh, theo đó chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với thách thức, đe dọa an ninh ngày càng lớn do Trung Quốc gây ra.
Sau khi công bố chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Anh điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông tuần tra đảm bảo tự do hàng hải

Sau khi công bố chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Anh điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông tuần tra đảm bảo tự do hàng hải

Đáp trả mối đe dọa từ tham vọng phi pháp

Trong bản đánh giá tổng hợp dài khoảng 100 trang đưa ra ngày 16-3, Anh công bố những thay đổi chiến lược quan trọng của quốc gia châu Âu, đồng thời cũng là một cường quốc thế giới này, trong đó chính thức tuyên bố “xoay trục” về “trung tâm địa chính trị” mới của thế giới là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược mới của nước Anh được xác định dựa trên các đánh giá lớn nhất về chính sách quốc phòng và đối ngoại của London trong 30 năm qua, nhằm thể hiện quan điểm của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson về một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và hợp tác, tự do thương mại.

Cho dù Thủ tướng Boris Johnson không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, song ai cũng thấy rõ là ông chủ số 10 Phố Downing muốn nhắm tới đâu khi cam kết Anh sẽ năng động hơn trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, nơi mà “những cường quốc mới” đang gây rối trật tự. Những cường quốc mới nổi này, theo cáo buộc của Thủ tướng Anh, đã “sử dụng tất cả công cụ theo ý mình để xác định lại trật tự quốc tế và trong một số trường hợp phá hoại hệ thống quốc tế cởi mở và tự do”.

Cùng với đó, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các cường quốc khác như Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang dần trở thành “trung tâm địa chính trị của thế giới” nên Anh không thể chỉ dựa vào “một hệ thống quốc tế ngày càng lỗi thời” để bảo vệ các lợi ích của mình. Nhấn mạnh về chiến lược thể hiện sự “xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Boris Johnson tin tưởng, lực lượng vũ trang hiện đại hóa và một chương trình nghị sự mới sẽ giúp nước Anh tự tin nhìn về phía trước khi định hình thế giới của tương lai.

Với chiến lược vừa được công bố, nước Anh trở thành quốc gia tiếp theo sau Mỹ chính thức khẳng định chiến lược “xoay trục”, hướng trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi đang nổi lên là “trung tâm địa chính trị của thế giới”, song cũng đang gặp phải những thách thức lớn về an ninh bởi sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Trước đó, nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược “xoay trục”, chuyển trọng tâm chiến lược từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Chính quyền Tổng thống Donald Trump kế nhiệm mở rộng thêm thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sự “xoay trục” chiến lược của Mỹ và nay tới lượt các đồng minh ở châu Âu, cũng là thành viên NATO, diễn ra khi mà Trung Quốc cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế cũng ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự, đi đôi với đó là đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp trên biển. Điều gây lo ngại sâu sắc cũng là đe dọa ngày càng nghiêm trọng với an ninh và ổn định khi Trung Quốc dùng sức mạnh đang trỗi dậy của mình để đưa ra những yêu sách chủ quyền và dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền.

Việc Trung Quốc dùng sức mạnh cưỡng chiếm hàng loạt thực thể ở Biển Đông thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ráo riết tiến hành quân sự hóa Biển Đông đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực địa chính trị trọng yếu của toàn cầu và tuyến vận tải biển huyết mạch toàn cầu này. Điều này đe dọa tới lợi ích chiến lược, an ninh của những cường quốc thế giới như Mỹ hay Anh…

Với những cường quốc thế giới, Biển Đông một khi bị Trung Quốc biến thành “ao nhà”, Bắc Kinh sẽ lấy đây làm bàn đạp để trỗi dậy, tranh giành lợi ích toàn cầu. “Xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thế là chiến lược “tiên hạ thủ vi cường” để răn đe, ngăn chặn tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc, trước hết là những khu vực địa chính trị chiến lược như Biển Đông và xa hơn là trên toàn cầu.

Nỗ lực chung đảm bảo an ninh, ổn định ở Biển Đông

Khi Anh chính thức công bố chiến lược “xoay trục” về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới thấy rõ hơn thông điệp từ việc nước này tuyên biên đội tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lần đầu tiên triển khai tới Biển Đông từ tháng 4 đến tháng 6-2021. Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ lần đầu tiên được triển khai hoạt động tới khu vực cùng với một tàu chiến khác của các đồng minh NATO để “tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải” cùng với Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Không chính thức và công khai các chiến lược “xoay trục” như Mỹ và Anh nhưng một số quốc gia châu Âu là cường quốc thế giới khác như Pháp, Đức cũng đã có những động thái đang chú ý. Pháp đã thể hiện sự quan tâm lớn đến vùng “Viễn Đông” khi liên tiếp triển khai các tàu chiến tới Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh tuần tra bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, huấn luyện…

Lên tiếng khi tàu hộ vệ trinh sát Prairial của hải quân Pháp tới thăm cảng Cam Ranh từ ngày 9 đến 12-3 vừa qua nhân đợt hoạt động tại Biển Đông, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, đây là sự kiện rất quan trọng của Pháp tại Việt Nam trong năm nay, cũng là thông điệp ủng hộ tự do hàng hải và hàng không của Pháp ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đại sứ Nicolas Warnery dẫn lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2018 nêu rõ, Pháp ủng hộ nỗ lực của các quốc gia trong khu vực về quan điểm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức ngày 2-3 vừa qua thông báo, một tàu chiến của Đức sẽ được triển khai đến châu Á vào tháng 8 năm nay, trở thành chiến hạm đầu tiên của quốc gia châu Âu này tới Biển Đông kể từ năm 2002. Đồng minh của Đức là Mỹ lập tức lên tiếng hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với điều mà Washington cho rằng “một trật tự khu vực dựa trên luật lệ” ở Biển Đông và nhấn mạnh “cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải mở”.

Việc các quốc gia châu Âu tăng cường hiện diện bằng các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không cũng như sự ủng hộ đối với duy trì an ninh, ổn định, chống lại các đe dọa an ninh chung từ tham vọng chủ quyền phi pháp phù hợp với lợi ích chung. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói về các hoạt động của tàu chiến châu Âu ở Biển Đông trong cuộc họp báo ngày 25-2 đã nêu rõ: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.