Ô tô đâm xe máy đi vào đường cao tốc, ai phải bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn ô tô đâm xe máy cố tình đi vào đường cao tốc. Vậy trong những vụ việc này, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Tối 5-2, lái xe T.Q.T (30 tuổi, ở Trà Vinh) điều khiển xe tải di chuyển trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương theo hướng miền Tây – TP. HCM khi đi đến xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, đã va chạm với xe máy do ông T.H.V (61 tuổi, ở Cà Mau) điều khiển chạy ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô.

Sau vụ tai nạn chiếc xe máy bị cán qua, văng ra thành nhiều mảnh vụn nhỏ, ông V tử vong tại chỗ.

Sự việc trên không phải hi hữu. Hiện trên nhiều tuyến đường cao tốc, tình trạng xe máy cố tình đi vào đường cấm, thậm chí còn đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng và thực tế đã có không ít vụ tai nạn đã xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

Xe máy cố tình đi vào làn đường trên cao đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) dù đã có biển cấm
Xe máy cố tình đi vào làn đường trên cao đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) dù đã có biển cấm

Về trách nhiệm bồi thường sau những vụ tai nạn này, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới (ô tô con, ô tô tải, xe đầu kéo…), có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác…

Những người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy...không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Do vậy, theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Nếu gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.

Về trách nhiệm bồi thường, theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (chiếc xe ô tô gây tai nạn) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Như vậy, về nguyên tắc, chủ sở hữu, người điều khiển xe ô tô phải bồi thường thiệt hại cho người điều khiển xe máy ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp việc người lái xe máy tử vong hoàn toàn do lỗi cố ý của họ (cố tình đi vào đường cao tốc, đi ngược chiều). Song, khi xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xét yếu tố lỗi của người đi xe máy.

Trường hợp kết luận điều tra xác định có lỗi của lái xe ô tô và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi.

Còn nếu nguyên nhân dẫn đến tai nạn giữa xe tô tô và xe máy trên đường cao tốc do lỗi cố ý của người điều khiển xe máy khiến việc va chạm là điều bất khả kháng, người lái ô tô không thể lường trước được mặc dù vẫn tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường bộ thì lái xe ô tô không phải bồi thường thiệt hại.

Ngược lại, người điều khiển xe máy còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ của chiếc xe ô tô nếu có thiệt hại xảy ra và người này yêu cầu bồi thường.

Trường hợp người gây ra tai nạn đã chết, nếu họ có tài sản để lại thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường – luật sư Thu nhấn mạnh.