Ở nơi có tỷ lệ hài lòng cao nhất

ANTD.VN - Kết quả khảo sát đo lường mức độ hài lòng đối với các thủ tục hành chính (TTHC) do thành phố Hà Nội thực hiện cho thấy, dịch vụ hành chính công có tỷ lệ hài lòng cao nhất là cấp CMND, đạt 91,33%. Con số ấy đã nói lên công sức, mồ hôi của CBCS Đội Căn cước công dân, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, CATP Hà Nội.

Ở nơi có tỷ lệ hài lòng cao nhất ảnh 1Công việc thường ngày của những người xem mặt, ngó... nốt ruồi

“Chị công an uống nước đi cho đỡ nóng”

Đến trụ sở cấp căn cước công dân của CATP Hà Nội vào một ngày cuối tháng 12. Thiếu tá Nguyễn Thái Liên, Đội trưởng Đội Căn cước công dân thông báo ngay, hôm nay lượng người đến làm căn cước công dân không đông lắm. Bước chân vào trụ sở, mới thấy... cái sự “không đông lắm” của Thiếu tá Nguyễn Thái Liên. Tất cả các hàng ghế đều không còn chỗ trống, đủ để biết hàng ngày các chị phải trải qua áp lực lớn như thế nào về lượng người đến làm thủ tục.

Trung tá Hoàng Thị Thu Hằng, Đội phó Đội Căn cước công dân cho hay, mỗi công dân khi đến làm thủ tục lại mang tới những câu chuyện khác nhau. “Dù thời gian gặp gỡ giữa cán bộ và công dân chỉ kéo dài chưa đầy... 2 phút nhưng với trung bình 400 hồ sơ/ngày, mỗi ngày chúng tôi gặp biết bao chuyện vui buồn”. 

Có công dân khi được cán bộ viết trong phần nhận dạng “nốt ruồi đầu mày phải” đã bất ngờ thốt lên “các chị thật quá giỏi, chỉ nhìn mặt mà thấy được cả nốt ruồi trên đầu”. Cán bộ tiếp dân ngạc nhiên, hóa ra công dân hiểu nhầm “đầu mày” là ám chỉ đầu của anh ta, “mày” nghiễm nhiên bị coi là danh từ nhân xưng trong khi “đầu mày” là chỉ vị trí đầu lông mày. 

Với mỗi cán bộ làm công tác tiếp dân, áp lực tiếng ồn, áp lực chuyên môn không cho phép họ được lơ là. Không những vậy, theo Trung tá Trần Thu Hà, một cán bộ tiếp dân lâu năm gần như nhất đội, người được đặc cách tuyển vào vị trí “giải quyết những ca khó” chia sẻ, là người cán bộ tiếp dân phải linh hoạt, khéo léo, dù cương quyết với những trường hợp có vướng mắc nhưng vẫn phải giữ thái độ đúng mực, hòa nhã với nhân dân. 

Trung tá Trần Thu Hà kể, theo quy định công dân muốn cấp căn cước công dân phải có ngày tháng năm sinh ghi theo sổ hộ khẩu. Hôm ấy, một người phụ nữ gần 60 tuổi đi cùng con trai đến làm căn cước công dân, nhưng trong sổ hộ khẩu lại không có ngày sinh. Do đó, cán bộ đã đề nghị người phụ nữ về hoàn thiện sổ hộ khẩu thì mới có thể làm được căn cước công dân. 

Tuy nhiên người phụ nữ đã không đồng tình, chuyển thái độ với cán bộ tiếp dân. Biết gặp ca khó, chị khuyên người phụ nữ bình tĩnh, đồng thời quyết liệt yêu cầu lập biên bản thu giữ quyển hộ khẩu vì có dấu hiệu tẩy xóa ngày sinh. Biết mẹ mình sai, người con trai đã vận động thuyết phục mẹ về để hoàn thiện hồ sơ. Lúc ấy mọi việc mới êm xuôi.

“Không phải công dân nào khi đến gặp cũng gây khó dễ cho chúng tôi, có những người rất hiểu, thông cảm với công việc của cán bộ làm công tác tiếp dân. Đó là những ngày đầu năm 2016, khi triển khai công nghệ cấp căn cước công dân, do chưa hiểu rõ, nên người dân đổ xô về trụ sở 44 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội để làm thủ tục. Tuần lễ đầu tiên số lượng người trung bình lên tới 500 người/ngày, chỉ huy phòng giao nhiệm vụ cho bộ phận tiếp dân “hết việc chứ không hết giờ” nên CBCS làm việc bất kể thời gian. Thông thường, các anh các chị chỉ làm việc đến 11h30 nhưng những ngày ấy, quá 12 giờ mà lượng công dân vẫn còn đông, chỉ huy Đội đã phải đứng lên xin phép nghỉ 30 phút để ăn trưa. Cả căn phòng đã vỗ tay đồng ý ngay” Trung tá Trần Thu Hà kể. 

Hay như chuyện khi Trung tá Trần Thu Hà tiếp dân, mồ hôi chảy ròng trên má, chị bất ngờ nhận được 2 chai nước từ một người dân không quen biết và nói “chị công an uống đi cho đỡ nóng”. Những cử chỉ nhỏ ấy đã khiến các chị nhớ mãi và thêm yêu công việc của mình.

Công việc thầm lặng phía sau những nụ cười

Dù công việc của Đội Căn cước công dân đều đặn hàng ngày gần như không có đột biến vì chỉ là tiếp nhận tờ khai, nhận diện, chụp ảnh, lăn tay, viết giấy hẹn và trả căn cước công dân cho người dân. Nhưng chỉ cần một phút giây lơ đễnh, nhập sai thông tin, kéo theo đó là sự sai lệch của thông tin trên hệ thống và kết quả là người dân nhận căn cước công dân sẽ không đúng với thông tin đã cung cấp. Như vậy lại mất thời gian để làm lại, phải xin lỗi công dân, bị phạt cả về thi đua lẫn tài chính và hơn hết là sự ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an Thủ đô.

Chẳng vậy mà, không một phút giây nào các chị dám chểnh mảng với công việc. Mắt nhìn thẳng, tay đặt trên bàn phím để gõ thông tin và các chị chọn việc thư giãn bằng cách... thay vì nhìn màn hình máy tính thì nhìn mặt người để nhận dạng, tìm ra điểm khác biệt của mỗi công dân để lưu thành đặc điểm nhận dạng. Chính nhờ có những dấu vết ấy, những kẻ tội phạm lẩn trốn đâu đó sẽ dễ dàng bị phát hiện. 

Theo quy định Nhà nước, cứ đủ từ 14 tuổi trở lên là đủ điều kiện được cấp căn cước công dân. Do đó mỗi cán bộ tiếp dân phải gặp gỡ rất nhiều đối tượng khác nhau, từ các cháu học sinh đến các cụ già gần đất xa trời. Từ đầu năm đến nay, cùng với 16 tỉnh thành phố khác trên toàn quốc, Hà Nội đã triển khai cấp căn cước công dân vào một hệ thống hoàn toàn mới. Nhớ những ngày Tết Dương lịch năm 2016, khi người dân cả nước được vui chơi đón xuân thì CBCS Đội Căn cước công dân phải trực chiến tại cơ quan, kiểm tra hệ thống máy thông tuyến với Cục Dữ liệu dân cư Quốc gia, Tổng cục Cảnh sát và các quận huyện trên địa bàn thành phố. Cũng từ đó, Đội Căn cước công dân trở thành trạm trung gian, cổng trạm gác thông tin, lọc ra những thông tin trùng lặp sai sót trước khi chuyển dữ liệu về Cục Dữ liệu dân cư Quốc gia. 

Lúc mới triển khai thông tin dữ liệu nhiều, phương tiện kỹ thuật chưa hoàn thiện nên có những ngày, phải 11 giờ đêm các anh, các chị mới về đến nhà. Vài giờ dành cho những việc cá nhân, những CBCS của Đội Căn cước công dân lại nhanh chóng đến nhiệm sở, đón nhận một ngày tiếp dân với phong thái vui vẻ nhất. Không phải ai cũng biết phía sau những nụ cười của các chị là sự căng thẳng khi nhập dữ liệu không thể xảy ra sai sót, là áp lực về thời gian, về chuyên môn. Và những nụ cười bình dị ấy đã tô thêm vẻ đẹp của CBCS Công an Thủ đô.

10 tháng đầu năm 2016:

* Bộ phận cấp căn cước công dân TP Hà Nội cấp hơn 600.000 trường hợp, chủ yếu là cấp mới

* Cấp đổi gần 4.400 trường hợp

* Cấp lại gần 3.000 trường hợp

* Cấp căn cước công dân lưu động cho gần 100.000 trường hợp

* Phát hiện 21 trường hợp tráo người để làm căn cước công dân.