- Tổ chức bộ máy của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Hà Nội như thế nào?
- Sáp nhập Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội vào CATP Hà Nội
Không để xảy ra cháy là nhiệm vụ số 1
Sáng 5-9, tìm đến trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (địa chỉ 147 Giảng Võ, Đống Đa), chúng tôi ghi nhận không khí làm việc tất bật, sôi động. Một tổ công tác ứng trực thâu đêm, nhưng từ sáng sớm đã sẵn sàng nổ máy xe, kiểm tra hoạt động của các phương tiện với tinh thần, ý thức cao.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đây là nhiệm vụ thường xuyên của CBCS vào mỗi buổi sáng sớm. Các phương tiện phải đúng nguyên tắc, quy định ứng trực; xe cứu hỏa phải đầy đủ nước, chuông reo là xuất xe. Cùng với đó, các bộ phận khác cũng vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm túc. Trong những ngày cuối tuần vừa qua, đơn vị đã thực hiện 2 đợt tuyên truyền an toàn PCCC cho bà con dân cư trên địa bàn quận Đống Đa”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC số 2 thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại tòa nhà cao tầng
Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, theo phân công của tổ chức, anh được phân công nhận công tác tại CAQ Cầu Giấy. Công tác tổ chức đang được khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Trường Sơn và CBCS Phòng Cảnh sát PCCC số 2 luôn xác định dù ở bất kỳ vị trí, mô hình nào cũng phải làm tốt nhiệm vụ. Trong đó, đảm bảo an toàn PCCC là yêu cầu quan trọng số 1; CBCS luôn trong tâm thế sẵn sàng với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao.
Bám sát cơ sở, đẩy lùi cháy nổ
Xác định nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho người dân là "gốc" của công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền vào ngày cuối tuần và các buổi tối đến tận khu dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, CBCS làm công tác PCCC trực tiếp “đứng lớp” tuyên truyền, đưa kỹ năng thoát nạn, PCCC đến với người dân. Có vụ cháy xảy ra tại quận Đống Đa, Ba Đình, người dân đã tự chủ động khống chế trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường.

Hội thao PCCC quận Ba Đình
Đại tá Nguyễn Trường Sơn bộc bạch, thời gian tới, anh cùng đồng đội sẽ tiếp tục phát huy phương pháp tuyên truyền một cách mộc mạc, đơn giản, dễ hiểu, dễ làm về công tác phòng chống cháy nổ. Ví dụ, nấu bếp không có người trông vừa có nguy cơ hỏng món ăn, bị người thân phê bình và tiềm ẩn rủi ro cháy.
Các hộ gia đình không để dây dẫn điện kẹt trên, dưới cánh cửa, cánh tủ, bởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm về điện giật, hay đối mặt với việc chập, cháy khi quá tải. Quá trình sử dụng thiết bị bình nóng lạnh, điều hòa, phải bảo dưỡng định kỳ, vừa đảm bảo độ bền, vừa không mất an toàn cháy, nổ… Với mỗi cảnh báo, các tuyên truyền viên đều dẫn chứng những vụ cháy cụ thể và thiệt hại kèm theo, để tăng độ thuyết phục đối với những người dân tiếp thu thông tin.

Lực lượng CNCH Cảnh sát PCCC số 2 thực tập cứu nạn người mắc kẹt
Sự chủ động cùng nhận thức về trách nhiệm của những người lính PCCC; những biện pháp để nâng cao ý thức, để lan tỏa sâu rộng kiến thức, kỹ năng chữa cháy, cứu hộ, thoát nạn đến từng người dân, các hộ gia đình...Đó đang và sẽ là vốn quý để lực lượng CS PCCC Thủ đô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ở bất cứ mô hình, vị trí nào.