Nút thắt cản dòng chảy tín dụng

ANTĐ - Theo các chuyên gia, trong 3 năm gần đây, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng lại không tăng như kỳ vọng. Hàng tồn kho cao, thiếu dự án đầu tư có hiệu quả và doanh nghiệp nợ đọng cao được xem là những “nút thắt” của dòng chảy tín dụng. 

Nút thắt cản dòng chảy tín dụng ảnh 1Lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng lại không tăng như kỳ vọng

Tín dụng không nhạy với lãi suất

Những nhận định trên được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Khơi thông nguốn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) tổ chức sáng qua 23-12. 

Đánh giá về tác động của tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Chiến lược ngân hàng chỉ ra rằng, trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường, khả năng tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất nhạy bén với mặt bằng lãi suất. Khi lãi suất cho vay cao, tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, quy luật này không còn đúng với Việt Nam trong những năm gần đây.

Nguyên nhân gây nghẽn dòng chảy tín dụng được chỉ rõ, thứ nhất, là do tồn kho hàng hóa cao, doanh nghiệp không thể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất khi hàng hóa không bán được. Đây là điểm nghẽn lớn nhất khiến cho tăng trưởng kinh tế nói chung, tín dụng nói riêng không đạt kỳ vọng. Điển hình cho hàng tồn kho cao là bất động sản, từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản có những chuyển biến nhưng tồn kho vẫn là câu chuyện lâu dài. Tồn kho của bất động sản kéo theo tình trạng ế hàng của nhiều ngành liên quan như xi măng, sắt thép, vật liệu, thiết bị điện, nội thất, lao động…

Nguyên nhân thứ hai là do thiếu các dự án đầu tư hiệu quả. Về sản xuất chúng ta đang gặp phải vấn đề năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thiếu khả năng cạnh tranh. Về tiêu thụ, sức mua trong nước thấp, chưa khai thác được thị trường xuất khẩu mới, trong khi một số thị trường xuất khẩu truyền thống gặp vấn đề. Phần lớn các ngành kinh tế được xem là thế mạnh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và có nhu cầu hấp thu lớn vốn tín dụng lại đang gặp khó khăn. 

Thứ ba là các doanh nghiệp nợ nần dây dưa, nợ xấu ngân hàng cao, lòng tin suy giảm nghiêm trọng. Thực tế chỉ ra rằng, thời điểm trước 2011, phần lớn các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp, đối tác đều khá dễ chịu về điều khoản thanh toán thì từ 2012 đến nay chủ yếu diễn ra theo phương án “tiền trao, cháo múc”. Tương tự, niềm tin giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng giảm sút, doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp, trong khi tài sản của doanh nghiệp lại đang được sử dụng để thế chấp cho những khoản nợ xấu chưa thể trả nợ ngân hàng. Nợ xấu và tín dụng đang trong vòng luẩn quẩn chưa có lối ra sáng sủa. 

Khơi thông

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng dựa nhiều vào vốn đầu tư. Mức vốn đầu tư đạt cao nhất vào năm 2007 với gần 43% GDP. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào vốn đầu tư đã giảm dần. Các nguồn vốn cho phát triển kinh tế bao gồm vốn tín dụng ngân hàng, phát hành chứng khoán, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI... Trong đó, vốn huy động qua các ngân hàng vẫn là vốn quan trọng nhất cho tăng trưởng.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng tín dụng nền kinh tế đã giảm rất mạnh từ mức tăng 53,9% (năm 2007) xuống 39,6% (năm 2009). Năm 2011, mức tăng trưởng tín dụng giảm chỉ còn 8,91%. Đến 2014, mức tăng trưởng tín dụng ước vào khoảng 12%. Ở chừng mực nhất định, điều này thể hiện rõ việc tăng vốn tín dụng chủ yếu là tài trợ cho đầu cơ “lòng vòng” qua các kênh như chứng khoán, bất động sản và vàng trong cùng giai đoạn. Tuy vậy, từ 2012 đến nay, tín dụng đã chuyển từ các lĩnh vực đầu cơ sang sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, trong các năm gần đây, yếu tố rào cản tín dụng cho khu vực tư nhân và hộ gia đình đã ngày càng giảm. Mức vay vốn của các doanh nghiệp Nhà nước đã hạn chế hơn trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình ngày càng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, đây là một xu hướng tích cực đáng lưu ý. 

Qua phân tích, các chuyên gia cho rằng, những điểm nghẽn đối với tăng trưởng tín dụng cũng chính là những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Vì vậy để tăng trưởng tín dụng, trước hết phải giải quyết các vấn đề của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cần có các giải pháp đồng bộ về cả chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Theo đó, cần kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc tạo lập và củng cố niềm tin của người lao động, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Tăng cường đầu tư công có hiệu quả tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế nông thôn theo hướng chuyên môn hóa có trọng tâm trọng điểm. Với chính sách tiền tệ, tín dụng cần có chính sách đột phá về hoạt động cấp và xử lý tín dụng, quyết liệt xử lý nợ xấu...

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái -  Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, về triển vọng 2015, có thể thấy những khó khăn vẫn còn kéo dài vài năm nữa và đó là thách thức chung với toàn cầu. Vì thế, trong bố trí kế hoạch năm 2015 nên lựa chọn các bước đi vừa sức. Trước những khó khăn này, cần tập trung vào 3  đột phá của năm 2015 và tiếp theo, bao gồm sửa đổi chính sách đầu tư kiên quyết hơn; Khai thông nguồn lực và sử dụng hiệu quả trong điều kiện đổi mới; Cần tôn trọng hơn khu vực tư nhân, tạo quyền bình đẳng cho mọi doanh nghiệp...