Núp bóng khơi dòng chảy để rút ruột lòng sông

ANTĐ - Khi lực lượng chức năng ráo riết truy quét "cát tặc", không ít doanh nghiệp đã hợp thức hóa việc khai thác khoáng sản (KTKS) chủ yếu là cát dưới danh nghĩa "nạo vét" dòng chảy để tiếp tục rút ruột lòng sông.

Những cỗ máy rút ruột trên sông

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Đuống… thuộc địa bàn Hà Nội đã bị kiểm tra, bắt giữ. Tuy nhiên, lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá lớn đã khiến cho nạn rút ruột lòng sông chưa thể ngừng.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 80/KH-CAHN-PV11 ngày 26-3-2015, của Giám đốc CATP Hà Nội về tổng kiểm tra, xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về TTATGT  đường thuỷ nội địa, khai thác TNKS (chủ yếu là khai thác cát) trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố, tổ công tác đặc biệt (gồm Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Phòng CSGT đường thuỷ và công an các quận, huyện, thị xã) đã tổ chức trinh sát, phát hiện, kịp thời bắt giữ các đối tượng đang có hành vi khai thác TNKS trái phép lòng sông.

Núp bóng khơi dòng chảy để rút ruột lòng sông ảnh 1

Lợi dụng đêm tối, mưa gió, các đối tượng khai thác cát trái phép đã bị CAH Gia Lâm phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt giữ vào đêm 25-3

Ngoài việc phát hiện, xử lý những đối tượng lợi dụng lúc đêm tối, sáng sớm, địa bàn giáp ranh hoạt động khai thác cát trái phép, lực lượng trinh sát còn tập trung đấu tranh đối với những đối tượng lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản, nạo vét luồng và tận thu sản phẩm trên các tuyến sông để khai thác cát trái phép, sai phép, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép…

Đại tá Doãn Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (CATP Hà Nội) cho biết, trong thời gian từ 25-3 đến 20-4, Tổ công tác đặc biệt đã bắt giữ, xử lý 14 vụ, trên 30 đối tượng có liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép; tạm giữ 16 tàu, thuyền các loại, bàn giao cho công an các quận, huyện thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Đặc biệt, hồi 22h ngày 13-4, lực lượng chức năng đã tập trung bắt giữ 4 vụ-8 đối tượng có liên quan đến khai thác cát trái phép trên sông Đuống đoạn thuộc địa bàn quận Long Biên; tạm giữ 4 tàu, thuyền. Các đối tượng lái tàu gồm Nguyễn Văn Duy (SN 1986, HKTT: Hoà Chính - Chương Mỹ - Hà Nội); Đào Văn Viễn (SN 1979, ở  Kẻ Sặt - Bình Giang - Hải Dương); Nguyễn Văn Chung,  SN 1992, ở xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Mỵ (SN 1984, ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Tiếp đến, vào hồi 7h, ngày 14-4, lực lượng trinh sát thuộc Cục CSGT - Bộ Công an, phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường và CAQ Bắc Từ Liêm đã đồng loạt kiểm tra 42 phương tiện thủy (15 tàu cuốc, 5 tàu hút, 2 tàu tiếp dầu, 20 tàu vận tải) đang hoạt động, khai thác cát tại đoạn sông Hồng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

1 ngày thu hơn 1,3 tỷ đồng

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 139 người trên các phương tiện có liên quan đến hoạt động khai thác cát, thu giữ tại chỗ 4.000m³ cát. Qua đấu tranh cho thấy, hoạt động khai thác cát trên do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Anh Tùng (có trụ sở tại quận Bắc Từ Liêm) điều hành thu tiền của các tàu hút cát. Qua kiểm tra trụ sở công ty này, lực lượng chức năng thu giữ được nhiều tài liệu liên quan tới khối lượng cát được khai thác từ đầu năm 2015 tới nay. Cụ thể, từ ngày 8 đến  13-4, trung bình mỗi ngày công ty này khai thác được 8.000m³ cát, thu về hơn 1,3 tỷ đồng. 

Núp bóng khơi dòng chảy để rút ruột lòng sông ảnh 2

Núp bóng “nạo vét” dòng chảy, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng 
Anh Tùng tổ chức khai thác vượt từ ba đến bốn lần số lượng so với giấy phép

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội cho biết, một vấn đề nan giải hiện nay là việc quản lý hoạt động của các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát, sỏi) dọc các tuyến đê trên sông Đuống và sông Hồng thuộc địa bàn của Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân hợp đồng thuê bến bãi trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường lại không có chức năng kiểm tra xử lý lĩnh vực này. Qua đó, lợi dụng hoạt động này, một số bến bãi đã sử dụng phương tiện hút trộm cát, hoặc tiếp tay cho cát tặc bằng cách mua lại cát với giá bèo bọt.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp làm thủ tục xin Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cấp phép với danh nghĩa nạo vét, duy tu tuyến đường thủy nội địa các đoạn sông. Đồng thời tận thu sản phẩm (là cát) để đem bán tái đầu tư. Tuy nhiên, việc tận thu như thế nào thì bộ phận giám sát, thi công chưa thể quản lý được. Vì thế, việc lợi dụng “nạo vét” dòng chảy để khai thác trộm cát là điều khó tránh khỏi. 

Thượng tá Lê Văn Nghiêm - Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV - CAH Gia Lâm cho biết, năm 2014, CAH Gia Lâm đã triệt phá 15 vụ, đầu năm 2015 triệt phá 13 vụ khai thác cát trái phép trên sông Đuống. Đơn cử, 20h30  ngày 25-3, lực lượng chức năng bắt giữ 3 tàu khai thác cát trái phép trên lòng sông Hồng (thuộc địa bàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 24 đối tượng trên 3 tàu (1 tàu không mang số hiệu, 1 tàu mang số hiệu BN 0475 và 1 tàu mang số hiệu BN 0407) của các chủ tàu Nguyễn Văn Hải (SN 1991), Nguyễn Văn Đức (SN 1979) và Nguyễn Quốc Đạt (SN 1973), đều ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm đang tổ chức hút cát trái phép.

Quá trình theo dõi cho thấy, các đối tượng này đã lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa huyện Gia Lâm với huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để khai thác cát trái phép vào các đêm tối và mưa gió.