Nuôi nhốt hổ trái phép có thể bị phạt tù tới 15 năm, phạt tiền tới 15 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất và bắt quả tang 2 cơ sở nuôi nhốt 17 cá thể hổ. Theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, cá nhân, pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tù tới 15 năm, phạt tiền tới 15 tỷ đồng.

Tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang chủ cơ sở này đang nuôi nhốt 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành.

Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng bắt quả tang tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành đang nuôi nhốt 3 cá thể hổ Đông Dương. Mỗi cá thể hổ có trọng lượng từ 200-265kg.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên, trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80-120m2 để nuôi nhốt.

Những cá thể hổ được đưa đi để phục vụ công tác điều tra
Những cá thể hổ được đưa đi để phục vụ công tác điều tra

Về sự việc trên, theo Luật sư Lê Hồng Vân, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp đang được bảo tồn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt).

Do vậy, tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp và mục đích nuôi nhốt động vật mà người vi phạm có thể bị xử lý về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Điều 244 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm:

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 1 kilôgam...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Mức hình phạt sẽ tăng lên từ 10-15 năm với các trường hợp quy định tại Khoản 3.

“Nếu kết quả xác minh cho thấy có hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại thì pháp nhân phạm tội có thể bị phạt từ 10-15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm” – Luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 234 BLHS 2015 với mức hình phạt tối đa là 12 năm tù.