Nuôi con nuôi và bi kịch của người trong cuộc

ANTĐ - Càng ngày, nhu cầu xin con nuôi càng nhiều hơn nhưng “nguồn” cho trẻ sơ sinh ngày càng ít đi. Số trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc các cơ sở xã hội chủ yếu là trẻ bị bệnh nặng như bệnh tim, bại não, dị tật hoặc nhiễm HIV. Trẻ lành lặn thì có hàng trăm hồ sơ xếp hàng chờ đợi. Hành trình xin một đứa con nuôi gian khổ trăm bề. Nhưng để nuôi dạy con nuôi lại là bi kịch của nhiều gia đình.

Gian khổ xin con nuôi

Hiện nay, nhu cầu xin con nuôi của các cặp vợ chồng hiếm muộn vô cùng lớn. Tuy nhiên để xin được một đứa trẻ tại các cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em rất khó vì quá nhiều thủ tục giấy tờ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, quận Cầu Giấy đã 3 năm nay lặn lội đến nhiều trung tâm trẻ mồ côi để xin một bé gái làm con nuôi mà chưa được. Chị tâm sự: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau đã 10 năm, chạy chữa đủ kiểu mà không được, bác sĩ bảo chỉ còn cách xin một đứa con về nuôi. Nhưng tôi không nghĩ rằng xin một đứa con để nuôi khó đến mức như vậy. Mặc dù hai vợ chồng đã đến nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại nhiều tỉnh, thành đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Nhiều người nói nếu muốn thuận buồm xuôi gió phải “chi ra” một số tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng nhờ “cò” liên hệ. Tuy nhiên vợ chồng tôi có bao nhiêu tiền đã đổ vào chạy chữa nên không thể có một số tiền lớn như vậy”.

Quá khó khăn trong việc xin con nuôi theo “con đường” chính thống, nhiều cặp vợ chồng chọn cách xin con nuôi theo những “kênh” khác như tìm qua những mối quan hệ quen biết. Chị Nguyễn Mai Chi (Đông Anh, Hà Nội) đã may mắn tìm được một đứa con nuôi như vậy. Qua nhiều mối quan hệ, chị biết được Nguyễn Hà Anh, sinh viên một trường đại học đã trót có con với bạn trai nhưng không thể cưới. Và vì cái thai quá to nên cũng không thể bỏ được. Chị đã đến đặt vấn đề. Cô sinh viên đồng ý với điều kiện chị phải trợ cấp một số tiền để cô ấy dưỡng thai và sinh con. Chuyện này chỉ có vợ chồng chị và Hà Anh biết. Đến nay bé gái đã được 4 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như chị Nguyễn Mai Chi. Nhiều người không thể xin được con nuôi bằng “con đường” chính thống hoặc quen biết, buộc phải chọn theo những “kênh” tự do như đăng ở các trang mạng tìm con nuôi. Diễn đàn lamchame, webtretho… có rất nhiều những thông tin như vợ chồng không thể có con, kinh tế vững vàng, công việc ổn định, muốn xin một bé làm con nuôi. Nếu ai biết có thể liên hệ qua số điện thoại hoặc địa chỉ… Chị Nguyễn Thị Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã từng đăng thông tin như vậy. Sau đó có khá nhiều cuộc gọi đến số máy của chị, trong đó có không ít người đặt điều kiện với giá mà vợ chồng chị không thể đáp ứng.

Một Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi xác nhận rằng các cơ sở xã hội nghiêng về xu hướng cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài hơn là trong nước. Bởi lẽ, ngoài có thêm nguồn tài trợ (có khi còn từ thiện đến hàng nghìn USD), trẻ em trở thành con nuôi ở nước ngoài thường có cuộc sống đảm bảo, tương lai tốt đẹp hơn. Trẻ làm con nuôi ở trong nước thường bị giấu nguồn gốc nên rất khó theo dõi, kiểm tra. Trên thực tế, đã có không ít trẻ bị ngược đãi hoặc chăm sóc không tốt do người nhận nuôi trẻ không đảm bảo điều kiện về kinh tế, thiếu kiến thức về nuôi dạy trẻ. Họ nuôi trẻ vì mục đích cậy nhờ về già thay vì mục đích nhân đạo - bù đắp quyền lợi, tình cảm thiệt thòi của trẻ bất hạnh.

Nuôi con nuôi - cũng khổ trăm bề

Dạy con đẻ đã khó, dạy con nuôi còn khó gấp nghìn lần. Đây là kinh nghiệm của hầu hết các bậc làm cha làm mẹ từng nuôi con nuôi. Chị Nguyễn Thị Hoa, 40 tuổi, quận Hoàng Mai tâm sự: “Vợ chồng chung sống với nhau gần chục năm nhưng không thể có con. Thèm có một đứa bé trong nhà, hai vợ chồng đã tính đến chuyện xin con nuôi. Và một bé gái 1 tuổi được vợ chồng tôi đón về. Tuy nhiên vì trong nhà chỉ có một mình cháu nên vợ chồng tôi rất nuông chiều, cháu muốn gì được nấy. Vợ tôi không bao giờ dám đánh hay mắng cháu, sợ cháu tủi thân rồi sinh ra căm ghét bố mẹ nuôi. Sự nuông chiều quá mức đã khiến cháu sinh nhiều thói hư như ích kỷ, ỷ lại, thích hưởng thụ, lười biếng”. 

Tuy nhiên không phải chỉ sự nuông chiều quá mức của cha mẹ mới khiến đứa con nuôi hư hỏng. Nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch khi trẻ phát hiện được bí mật rằng mình chỉ là con nuôi. Khi biết được sự thật này, nhiều đứa trẻ đã rơi vào cú sốc tâm lý và thay đổi hoàn toàn hành vi, lời nói. Chúng không còn nghe lời bố mẹ nuôi nữa, tỏ thái độ oán trách bố mẹ ruột đã bỏ rơi. Nhiều trường hợp còn tìm cách bỏ nhà đi. Trường hợp gia đình bác Nguyễn Văn Hương, Hà Đông là như thế. Mang đứa con còn đỏ hỏn về nuôi, cho ăn học đến nơi đến chốn, năm nay đã 15 tuổi. Nhưng chỉ một lần người họ hàng để lộ thân phận mà đứa con nuôi thay đổi hoàn toàn. Nó đã bỏ nhà ra đi được 3 tháng nay mà không ai tìm thấy. Trước khi đi nó bảo phải đi tìm bố mẹ đẻ. Đến giờ vẫn không biết nó ở đâu nữa. Từ ngày nó bỏ đi, vợ chồng bác trở nên suy sụp, tuyệt vọng như bị đánh mất chính đứa con của mình.

Về mặt tâm lý, cha mẹ nuôi nào cũng muốn giấu hoàn toàn sự thật về nguồn gốc cho đứa con nuôi. Tuy nhiên, trước những lời đồn thổi, bàn tán, thì sự việc như cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, đứa trẻ rồi cũng sẽ biết. Đó là chưa kể đến tình huống, có những người mẹ trước kia bỏ con nhưng giờ quay ra đòi lại con. Từ đó nảy sinh những bi kịch mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Những phức tạp khi nuôi con nuôi 

Trên thực tế, nuôi con nuôi có nhiều dạng khác nhau như nuôi con nuôi theo phong tục tập quán, nuôi con nuôi để lấy phúc, nuôi con nuôi trên danh nghĩa và nuôi con nuôi thực tế. Luật sư Nguyễn Hải Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận: “Theo quy định của pháp luật, việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch mới có giá trị pháp lý, thực chất đó chính là đăng ký việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên trong thực tế nhận nuôi con nuôi, vì nhiều lý do khác nhau, tránh những thủ tục phiền hà mà việc này không được thực hiện. Nhiều trường hợp quan hệ nuôi con nuôi đã được thực hiện trên thực tế nhưng lại không có sự công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không được ghi vào sổ hộ tịch nên việc nuôi con nuôi không có giá trị pháp lý, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Trường hợp của gia đình bác Nguyễn Văn Vượng (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Nhận nuôi con nuôi từ năm 1984 nhưng ngại những thủ tục phiền hà nên bác không đăng ký hộ tịch. Năm 2002, bác đột ngột mất vì tai nạn giao thông. Do con nuôi không có sự công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên khi xảy ra tranh chấp về thừa kế, con nuôi của bác Vượng không được hưởng quyền thừa kế. Lúc đó phải nhờ đến sự phân giải của Tòa án”.

Việc nhận nuôi con nuôi là nhu cầu hợp pháp của nhiều gia đình, đặc biệt là hiện nay, khi mà tỉ lệ vô sinh và gia đình hiếm muộn ngày càng cao. Tuy nhiên, để việc nuôi con nuôi được đảm bảo về mặt pháp lý, thì các gia đình nhận nuôi con nên làm đầy đủ các thủ tục mà luật pháp quy định tránh những tranh cãi, phiền hà sau này và quan trọng là tránh làm cho những đứa trẻ là con nuôi bị tổn thương.