Nước rút vòng chung khảo nhà giáo tâm huyết, sáng tạo lần thứ ba

ANTD.VN - Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo sau 2 mùa triển khai đã tạo thành một hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho hàng nghìn nhà giáo Thủ đô cống hiến hết mình để đem đến những giờ giảng sinh động, cuốn hút học sinh.

Giải thưởng này nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, từ đó khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường.

127 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được tôn vinh trong mùa 2 năm học 2017-2018

Theo ban tổ chức, mùa thứ ba này có 84 hồ sơ đề nghị khen thưởng khối quận, huyện, thị xã (26 hồ sơ khối mầm non, 30 hồ sơ khối tiểu học, 28 hồ sơ khối trung học cơ sở), trong đó có 36 cán bộ quản lý và 48 giáo viên. Sau khi các phòng giáo dục lựa chọn vòng cơ sở, có 46 hồ sơ gửi về ban tổ chức cuộc thi cấp ngành, trong đó có 5 cán bộ quản lý và 41 giáo viên.

Được biết, Hội đồng thẩm định giải thưởng gồm lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng giáo dục, thường trực Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội và các chuyên gia về giáo dục. Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội là cơ quan thường trực tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ từ cơ sở, Trung tâm Hocmai là đơn vị tài trợ giải thưởng.

Chia sẻ về điểm khác biệt của giải thưởng này, đại diện Ban tổ chức cho biết, trong các giải thưởng hoặc cuộc thi trước đây, người ta quan niệm đổi mới hay sáng tạo phải là cái gì đó to lớn, ngoài khả năng, tầm vóc của họ, dẫn tới việc sáng kiến tạo ra chỉ nằm ở lý thuyết nhưng quan niệm này đã được khắc phục trong năm thứ 2 của giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” khi các sáng kiến đã đi vào thực tế, nhỏ nhưng “chất” và thiết thực.

Một trong những sáng kiến được đánh giá cao ở khối mầm non là "Ngày hội trứng" của cô giáo mầm non Cát Linh

Trong mùa 2, những sáng kiến mang tính thực tế được đánh giá cao như sáng kiến “Ngày hội trứng”, cô Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cát Linh thu hút gần 500 học sinh và phụ huynh Mầm non Cát Linh tham gia, cô giáo Nguyễn Thị Mai trường THCS Cầu Giấy đã bỏ công sức nghiên cứu và thiết kế ra hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước… để phục vụ cho các bài học cụ thể, giúp đỡ, kèm cặp các em học sinh bị tăng động, giảm tập trung tại lớp chủ nhiệm của cô Phạm Thị Thanh Huệ, Tiểu học Phù Lỗ A (Sóc Sơn)...