Nước Đức thời hậu Thủ tướng Angela Merkel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 27-9 (theo giờ Việt Nam), nước Đức tổ chức bầu cử Nghị Viện để lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Theo đó, nước Đức có Thủ tướng mới, sang trang sau gần 16 năm liên tục dưới sự lãnh đạo của người phụ nữ được mệnh danh “quyền lực nhất châu Âu”, “biểu tượng của sự bền vững”.
Theo kết quả kiểm phiếu, ứng viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng mới của nước Đức

Theo kết quả kiểm phiếu, ứng viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng mới của nước Đức

Nền kinh tế đứng đầu tại châu Âu

Không chỉ là một bước ngoặt chính trị đối với nước Đức, mà nhìn rộng ra châu Âu, kết quả bầu cử Đức cũng đang được Bruxelles ngóng đợi, bởi cho đến nay, với nền kinh tế đứng đầu khối 27 nước, có thể nói Berlin vẫn đóng vai trò đầu tầu tại châu Âu.

Trong suốt gần 16 năm lãnh đạo, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng giới lãnh đạo châu Âu đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng, từ ngân sách Liên minh châu Âu giai đoạn 2007 - 2013, cuộc khủng hoảng đồng Euro và nợ công Hy Lạp nổ ra vào năm 2010, khủng hoảng di dân quốc tế hồi năm 2015 và gần đây nhất là kế hoạch tái thiết kinh tế Liên minh châu Âu hậu Covid-19, đại dịch từng biến châu Âu thành khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng trên thế giới.

Trước kỷ nguyên Angela Merkel, nước Đức rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong nhiều năm khi tỷ lệ thất nghiệp lúc bấy giờ lên hơn 11%. Năm 2005, bà Angela Merkel trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở Đức, nhanh chóng trở thành thủ lĩnh chính trị và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) với tầm ảnh hưởng lớn mạnh trên thế giới. Năm 2008, khi toàn thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế thì kinh tế nước Đức không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng nhờ tài lèo lái của Thủ tướng đầu tiên xuất thân từ Đông Đức.

Kể cả trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế nước Đức vẫn bền vững hơn so với các nước khác. Vì vậy, ở Đức, bà Angela Merkel được xem như là “biểu tượng của sự bền vững”.

Ông Armin Laschet, ứng cử viên của Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) không thể nối tiếp di sản mà Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel để lại

Ông Armin Laschet, ứng cử viên của Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) không thể nối tiếp di sản mà Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel để lại

Thời hậu Merkel

Ngày 27-9, Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) được tuyên bố đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 20 sau khi tất cả số phiếu đã được kiểm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, SPD đã trở lại là chính đảng mạnh nhất ở Đức. Kết quả kiểm phiếu ở toàn bộ 299 điểm bỏ phiếu ở Đức cho thấy Đảng SPD giành được 25,9% tổng số phiếu bầu. Trong khi đó, sau 16 năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) về thứ hai, khi nhận được 24,1% số phiếu, con số thấp kỷ lục. Đảng Xanh được 14,8%, kết quả cao nhất trong lịch sử của đảng này và trở thành chính đảng mạnh thứ 3 ở Đức. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 11,5%, Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) được 10,3% và Đảng Cánh tả 4,9%.

Niềm vui chiến thắng của những người dân Đức ủng hộ Đảng SPD

Niềm vui chiến thắng của những người dân Đức ủng hộ Đảng SPD

Với kết quả này, ứng viên của SPD Olaf Scholz nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng mới của nước Đức, trong khi CDU/CSU đã không thể nối tiếp di sản mà Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel để lại sau 16 năm cầm quyền.

“Mọi thứ đã thay đổi, kết thúc thời kỳ kể từ năm 2005, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo luôn là đảng mạnh nhất và sẽ không có ai có thể hoặc dám thành lập một Chính phủ đối lập với họ” - ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu (Thủ đô Berlin, Đức) nhận định.

Nỗi thất vọng của những người dân Đức ủng hộ đảng CDU/CSU - lần đầu tiên thất bại sau 16 năm qua

Nỗi thất vọng của những người dân Đức ủng hộ đảng CDU/CSU - lần đầu tiên thất bại sau 16 năm qua

Theo phân tích của các chuyên gia, thời của những chính đảng tại Đức có thể nắm hơn 40% lá phiếu đã là dĩ vãng, và điều này sẽ có những hệ lụy lâu dài đối với sự ổn định của nền chính trị nước này. Sau bầu cử, gần như chắc chắn sẽ cần một liên minh 3 đảng để hình thành thế đa số và các đảng sẽ phải thương lượng trong nhiều tháng để thỏa hiệp các chính sách lớn như đối ngoại, thuế, bảo vệ khí hậu... “Tôi cho rằng đây là sự khởi đầu của sự biến động và phân mảnh chính trị ở Đức” - Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu Thorsten Benner nhận định.