Nước - cuộc khủng hoảng nhãn tiền của châu Á

(ANTĐ) - Châu Á đang phát triển bùng nổ nhưng nguồn nước của khu vực này đang cạn kiệt dần. Khi một lục địa không đủ khả năng đảm bảo đủ nguồn nước cho các đô thị cũng như các vùng nông thôn thì đây sẽ thực sự là một thảm họa về kinh tế - xã hội. Theo ông Arjun Thapan, cố vấn cao cấp đặc biệt của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về lĩnh vực nước và cơ sở hạ tầng, viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực ở châu Á chỉ trong vòng 20 năm nữa.

Nước - cuộc khủng hoảng nhãn tiền của châu Á

(ANTĐ) - Châu Á đang phát triển bùng nổ nhưng nguồn nước của khu vực này đang cạn kiệt dần. Khi một lục địa không đủ khả năng đảm bảo đủ nguồn nước cho các đô thị cũng như các vùng nông thôn thì đây sẽ thực sự là một thảm họa về kinh tế - xã hội. Theo ông Arjun Thapan, cố vấn cao cấp đặc biệt của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về lĩnh vực nước và cơ sở hạ tầng, viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực ở châu Á chỉ trong vòng 20 năm nữa.

Cảnh xếp hàng lấy nước sinh hoạt hàng ngày của người dân làng Ihadora Kalan, New Dehli, Ấn Độ

Cảnh xếp hàng lấy nước sinh hoạt hàng ngày của người dân làng Ihadora Kalan, New Dehli, Ấn Độ

Bức tranh xám xịt

Tại Thủ đô Dhaka của Bangladesh, Mamota Begum thậm chí không thể đun sôi ấm nước đục ngầu, thứ nước mà chị thi thoảng mới hứng được từ vòi công cộng cuối phố. Điện bị cắt hầu hết thời gian trong ngày, nên Mamota, 26 tuổi và hai đứa con của chị phải ngồi trong bóng tối và chịu đựng cái nóng bức oi ả của khí hậu Nam Á.

“Mọi thành viên trong gia đình tôi đều bị bệnh ngoài da, chúng tôi phải tắm rửa bằng thứ nước bốc mùi này. Mà đâu phải lúc nào chúng tôi cũng có được nước dùng, dù là nước bẩn” - Mamota nói.

Quốc gia Nam Á với 144 triệu dân này đang đối mặt với cái mà truyền thông quốc tế gọi là “Cuộc khủng hoảng phương tiện sinh hoạt tồi tệ nhất trong thời bình của thế giới” - hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ nông nghiệp, thủy điện. Hàng chục triệu người Bangladesh đang phải sống trong các điều kiện sinh hoạt tồi tệ.

“Cuộc sống của chúng tôi đang trở thành địa ngục”, Mamota thốt lên. Có lẽ chị đã nói thay cho 13 triệu người dân Dhaka. Tháng trước, hàng nghìn người tại thành phố này đã xuống đường phản đối chính phủ vì thiếu nước sinh hoạt dẫn đến các vụ bạo loạn khiến lực lượng an ninh phải can thiệp.

Cách Dhaka khoảng 1.900 dặm, gần thành phố Tây An của Trung Quốc, anh Chu Gia, một nông dân khắc khổ đi dưới lòng con sông Vệ đã cạn khô. Anh nói rằng mười năm trước, buổi chiều nào anh cũng ra đây tắm giặt hay câu cá. Giờ thì tất cả chỉ còn là một lạch nước nhỏ hôi thối. Miền Tây Trung Quốc hiện đang đối mặt với trận hạn hán nghiêm trọng nhất 100 năm qua. Hạn hán đã ảnh hưởng đến 24 triệu người và 30 triệu hécta đất trồng. Bộ Nông nghiệp nước này mới đây đã tuyên bố khó có thể đạt được mục tiêu sản lượng lúa mì của năm.

Trung Quốc, đất nước chiếm đến 20% dân số thế giới, 7% nước ngọt toàn cầu, đã làm ô nhiễm 70% các sông hồ của họ trong khi nước ngầm tại một nửa số thành phố của nước này đã không còn có thể sử dụng vì chứa nhiều chất độc hại. Theo một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ thiếu 201 tỷ mét khối nước sạch.

Cái giá của tăng trưởng

Việc các con sông ở Trung Quốc bị ô nhiễm hay cạn dòng có thể được giải thích là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa kinh hoàng của quốc gia này nhưng lối sống tiêu thụ là một lý do không kém phần quan trọng. Mức tiêu thụ thịt của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua và dự đoán sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Các chuyên gia đã ước tính để sản xuất một kg thịt cần đến khoảng 35-70 nghìn lít nước và để sản xuất một kg gạo cần đến 10 nghìn lít nước. Tốc độ tăng trưởng GDP trên 10% của Trung Quốc suốt nhiều năm qua được đánh đổi bằng những con sông đen xì nước thải và chất lượng sống của người dân suy giảm nhanh vì tình trạng thiếu nước

Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu lục đông dân nhất hành tinh này đang đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng nước và nguy cơ này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. ADB dự báo có thể đến năm 2030, châu Á sẽ thiếu 40% nước so với nhu cầu, bao gồm cả nước cho đô thị, nông nghiệp và môi trường tự nhiên.

Nguyên nhân chính dẫn đến khả năng xảy ra khủng hoảng nước ở châu Á là do nhiều thành phố lớn phát triển nhanh của châu lục này đang sử dụng nước không hiệu quả. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 người từ nông thôn nhập cư vào các thành phố và các thành phố đang phình to ra ở châu Á đang tiêu thụ 40% tổng lượng nước sử dụng tại châu lục. Theo ước tính của Tổ chức Nguồn nước Thế giới, trong hai thập niên tới, nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất tại Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 32%. Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines có tổng lượng nước trên đầu người một năm đã giảm xuống dưới 1.700m3 - ngưỡng quốc tế báo động căng thẳng về nước khi mức cầu vượt quá lượng sẵn có trong một quãng thời gian nhất định.

Hơn thế, lượng nước đã sử dụng ở châu Á phần lớn chưa được xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các sông ngòi. Trong số 412 con sông ở Philippines, 50 sông đã bị “khai tử” về mặt sinh học. Chỉ riêng việc làm sạch Vịnh Manila và sông Pasig ở Manila đã tốn khoảng từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Tại Trung Quốc, khoảng 50% lượng nước trên sông Hoàng Hà bị ô nhiễm đến mức không thể dùng cho nông nghiệp và hơn 50% nước bề mặt ở lưu vực sông Hải của đất nước này không thể dùng cho bất kỳ mục đích nào.

Lo ngại về tương lai

Các chuyên gia của ADB khẳng định nếu không được ngăn chặn, cuộc khủng hoảng nước có thể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của châu Á. Các chuyên gia cho rằng với tốc độ tăng dân số như hiện nay thì trong vòng mười năm nữa, châu Á sẽ có thêm gần 500 triệu người, riêng tại các đô thị ở châu Á, dân số sẽ tăng khoảng 60%. Khi dân số và tốc độ đô thị hóa cùng tăng nhanh chóng như vậy, căng thẳng về nguồn nước cũng tăng theo. Thêm vào đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng xấu thêm. Và các chuyên gia đã lo ngại rằng nạn đói sẽ xảy ra ở châu Á như đã từng xảy ra ở châu Phi những năm 80 và 90 thế kỷ trước khiến hàng triệu người chết. Nạn đói sẽ dẫn đến một loạt hậu quả như dòng người di cư tại cả trong và ngoài nước... gây căng thẳng về kinh tế và địa chính trị.

Hơn bao giờ hết, dù ý thức được hay không, các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với một sự thật: Nước không còn được coi là một nguồn tài nguyên thiên nhiên miễn phí và vô hạn. Nó là nguồn tài nguyên có hạn và nếu các nước phung phí nguồn nước họ có trên các con sông, các hồ chứa hay trong lòng đất, điều chờ đợi họ sẽ là thảm họa.

Nguyễn Hà (Tổng hợp)