Nửa thế kỷ không lấy chồng vì tình yêu sắt son với người lính trẻ

ANTĐ - Tuổi đôi mươi, người con gái đã yêu chàng lính trẻ đóng quân ở quê nhà. Không bao lâu sau anh lên đường ra trận và trao lại cho cô kỷ vật tình yêu là chiếc nhẫn và chiếc lược làm bằng mảnh vỡ máy bay với lời hẹn ước nên duyên vợ chồng ngày trở về. Thế nhưng, người lính ấy đã mãi mãi nằm xuống. Đất nước hòa bình, suốt 50 năm nay bà vẫn trọn một lời thề với người yêu.

Tình yêu của cô nữ dân quân và chàng lính trẻ

Ngày trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1947, quê xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nay đang sinh sống tại TP. Vinh) là cô gái cao ráo, xinh đẹp. Gần 50 năm nay bà vẫn giữ trọn lời thề với người yêu của mình. Trong căn nhà nhỏ, bà lẻ bóng đi về. Cuộc sống với bà chỉ cần có vậy bởi sau nhiều nỗ lực, bà đã đưa được người mình yêu về căn nhà nhỏ của mình.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của bà Mai gắn liền với ruộng đồng. Năm 1967, vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Mai gia nhập vào đội nữ dân quân bảo vệ xóm làng. Cũng trong năm này, một đơn vị bộ đội về đóng quân gần nhà bà Mai để luyện tập, chuẩn bị bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Trong nhóm chiến sỹ trẻ ấy có ông Phạm Khắc Vũ (SN 1945) quê ở xã Liên Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.

Ngôi nhà nhỏ nơi bà Mai đang sống 

Cô nữ dân quân xinh đẹp thông minh và chàng lính công binh chín chắn sớm kết bạn với nhau. Không lâu sau đó, tình yêu chớm nở giữa hai người. Bà Mai nhớ lại: “Hồi đó ông ấy đẹp trai, cao to và rất nghiêm túc. Ngày đó, tình yêu trong sáng lắm, chúng tôi chỉ dám nói chuyện, tâm sự với nhau, đến cái nắm tay còn chưa dám”.
Anh lính trẻ Phạm Khắc Vũ gửi thư thông báo cho bố mẹ ở quê về cô người yêu xinh đẹp, ngoan hiền. Hai bên gia đình biết chuyện và rất ủng hộ mối quan hệ của hai người. Cuối năm 1967, ông Vũ lên đường hành quân vào Nam. “Trước khi đi, anh ấy trao cho tôi chiếc nhẫn có khắc hình trái tim và một chiếc lược khắc hình hai con chim bồ câu quấn quýt với nhau làm bằng vỏ máy bay. Anh bảo với tôi đó là vật đính ước giữa hai người. Còn tôi trao cho anh ấy chiếc khăn mùi soa và cùng thề hẹn chờ ngày đất nước thống nhất sẽ nên duyên vợ chồng với nhau. Vậy mà anh ấy không quay về nữa”, bà Mai chia sẻ.

Mỗi lần nhắc đến người yêu, bà Mai lại nghẹn ngào rơi nước mắt

Hai người chia tay nhau, ông Vũ hành quân vào chiến trường còn bà Mai ở nhà tham gia đội dân quân. Những cánh thư chan chứa tình cảm đều đặn được cô gái ở hậu phương gửi cho người lính nơi tiền tuyến. Chia tay nhau, ông lên đường ra trận thì hai năm sau bà Mai đi học một lớp giao thông ở Vĩnh Phúc. Cao ráo, xinh xắn nên bà được rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng bà luôn giữ trong tim lời thề hẹn với người lính Phạm Khắc Vũ .

Cuối năm 1969, bà Mai không còn nhận được thư của người yêu nữa. Lo lắng ông đã gặp chuyện không lành nhưng bà tự trấn an mình rằng chắc người yêu đang bận chiến đấu hay những cánh thư bị thất lạc. Chiến tranh kết thúc, nhiều người lính từ chiến trường trở về nhưng người yêu của bà vẫn không quay lại thực hiện lời hẹn ước. Đến lúc này, bà chết lặng khi biết ông đã hi sinh ở chiến trường B5 từ năm 1969.

Sắt son chờ đợi

Ngày biết ông hy sinh, nhiều người khuyên bà nên lấy chồng để có nơi nương tựa về sau. Bà Mai nhớ lại: “Tôi cũng đã nghĩ đến việc lấy chồng nhưng mỗi lần như vậy tôi lại nhìn thấy ánh mắt buồn rười rượi của anh ấy. Trong những giấc mơ, anh ấy về và trách tôi sao không giữ lời thề. Những lần như vậy, tôi lại thấy có lỗi với anh. Anh đã tin tưởng tôi như vậy thì tôi không thể làm anh  buồn được”, bà Mai giãi bày.

Từ đó, bà quyết định mình sẽ không lấy chồng nữa. Về sau, bà tìm ra quê hương của ông, lúc này bà mới biết người thân chưa tìm được hài cốt của ông mà chỉ có ngôi mộ gió. Không cam tâm thì chưa tìm được hài cốt của người yêu, bà lại lên đường tìm ông. Bà lập bàn thờ ở nhà để thờ cúng ông. Hàng năm, vào ngày lễ tết hay dịp kỷ niệm 30-4, ngày 27-7 bà đều làm mâm cỗ để thắp hương cho ông.

Bức ảnh chân dung là kỷ vật duy nhất mà bà còn giữ được Bao nhiêu năm nay, bà bằng lòng với cuộc sống có ông bên cạnh. Dù chưa chính thức được làm vợ ông nhưng bà luôn coi ông là chồng của mình. “Ngày đó kịp làm đám cưới thì tôi đã làm vợ của ông ấy rồi. Biết đâu, chúng tôi cũng kịp có đứa con để bây giờ tôi có nơi mà nương tựa”, bà nghẹn ngào chia sẻ. Bao nhiêu năm qua, những lời dị nghị cũng khiến bà đau lòng. Nhiều đêm trong mơ ông ấy vẫn về tâm sự, nói chuyện với bà. Những lần đó, bà chỉ biết khóc mà trách ông sao không về để bà cô quạnh như thế này... Bức ảnh chân dung duy nhất của ông dùng để thờ  bà phải mang ra cho người ta phục chế vì ảnh cũ không còn rõ nét. Nhưng tình yêu của bà dành cho ông vẫn trọn vẹn như gần 50 năm trước...