Nữ Thủ tướng Anh và chiếc quần da hàng hiệu

ANTD.VN - Có lẽ khi chọn chiếc quần da hàng hiệu có giá 995 bảng Anh (tương đương 1.250 USD) để chụp hình cho cuộc phỏng vấn trên tờ The Sunday Times, Thủ tướng Anh Theresa May không ngờ câu chuyện đi xa đến thế. Bê bối liên quan đến trang phục mà truyền thông Anh gọi là “Trousergate” này kéo dài vài tuần nay.

Chuyện bắt đầu từ chiếc quần da màu chocolate của nhà thiết kế Amanda Wakeley trị giá khoảng 1.250 USD. Ngay khi nhìn thấy tấm ảnh đăng trên tạp chí phát hành tháng trước, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Nicky Morgan nói với The Times rằng, trang phục đắt tiền này đã được các Nghị sỹ “chú ý và bàn tán”. “Tôi không có quần da, tôi chưa từng chi nhiều tiền như thế ngoại trừ chiếc váy cưới”, bà Nicky Morgan nói.

Thời điểm đó, Văn phòng Thủ tướng Anh có dự định mời bà Nicky Morgan, Nghị sỹ của Đảng Bảo thủ đến để thảo luận về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vì bà là người đứng đầu nhóm Nghị sỹ phản đối chủ trương “Brexit mềm”, tức là Anh vẫn giữ được quan hệ với EU càng chặt càng tốt. Tuy nhiên, bà Morgan đã không được mời đến số 10 phố Downing, điều này khiến scandal “Trousergate” lập tức loang rộng.

Câu chuyện đã đưa đến một số luận điểm thú vị về vấn đề trang phục của giới lãnh đạo. Theo Lifestyle.one, thú vị nhất chính là việc nữ chính trị gia mặc gì dường như là một chủ đề dễ được đưa ra bàn tán, trong khi các nhà lãnh đạo là nam giới không mấy khi bị “soi” về trang phục. Chưa kể, tin tức liên quan đến tủ quần áo của bà Theresa May, năm nay 60 tuổi, tốt nghiệp từ Đại học Oxford danh tiếng vốn khá quen thuộc đối với báo chí Anh.

Câu hỏi đặt ra là, vậy công chúng mong muốn Thủ tướng sẽ ăn mặc thế nào, trang phục rẻ tiền để thể hiện sự đoàn kết với người nghèo hay những bộ đồ sang trọng? Nhiều người cho rằng hiệu quả công việc của Thủ tướng và hình ảnh đại diện cho nhu cầu của cử tri là hai phạm trù khác nhau.

Họ muốn Thủ tướng phải là hình ảnh của sự thành công để duy trì danh tiếng của Vương quốc Anh và trang phục của họ cũng phản ánh trách nhiệm đó, đồng nghĩa với những bộ cánh sành điệu và tốn kém.

Nhưng không đơn thuần là câu chuyện về quần áo, “Trousergate” còn tiết lộ về rạn nứt trong Chính phủ mới thành lập được 5 tháng của Thủ tướng Theresa May. Theo tạp chí danh tiếng Time, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục, bà Morgan đã “đụng độ” với Thủ tướng ở một số vấn đề, vì thế bà bị sa thải vào tháng 7 vừa rồi. Quyết định đó hẳn khiến bà Morgan không phục nên sự kiện chiếc quần da chỉ là giọt nước làm tràn ly.

Điều đáng nói, Thủ tướng Theresa May khá mạnh tay trong việc “chỉnh tướng”. Gần đây nhất, đầu tháng 12-2016, ông Boris Johnson, Bộ trưởng Ngoại giao uy tín bị bà thẳng thắn phê bình vì nói rằng Ả Rập Saudi, đồng minh của Anh đứng đằng sau “cuộc chiến ủy nhiệm” ở Trung Đông.

Một trong nhiều cựu bộ trưởng bị bà Theresa May sa thải nói rằng, phong cách của bà giống với cựu Thủ tướng Gordon Brown: “Không nên ra khỏi đường đi chung hoặc sẽ buộc phải phóng thích, giống như trường hợp của bà Nicky Morgan”.

Thêm vào đó, từ vụ bê bối này, các chính trị gia có lẽ cũng rút ra được bài học khi trao đổi trực tuyến. Một loạt thư điện tử từ mùa hè năm 2015 thể hiện không khí căng thẳng giữa Thủ tướng Theresa May cùng cộng sự với bà Morgan đã bị rò rỉ vào đầu tháng này. Những tin nhắn văn bản liên quan xuất hiện trên báo lá cải…

Chắc hẳn nhiều người sẽ nghiệm ra rằng, nếu có vấn đề với ai đó, tốt nhất là gặp mặt trực tiếp hoặc đối thoại qua điện thoại hơn là chuyển tiếp bằng Email hay tin nhắn. Sẽ chẳng hay ho gì khi những từ ngữ nóng nảy và căng thẳng lại xuất hiện trên mặt báo.