- Ngưỡng xét tuyển đại học 2018 sẽ hạ đến đâu?
- Điểm chuẩn các trường đại học hàng đầu giảm mạnh
- Điểm sàn chót vót 21,5, nhiều thí sinh dừng bước chuyển nguyện vọng khỏi trường tốp đầu
Đạt 24,35 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên nữ sinh Hoàng Thị Ánh, thôn 4 (Hà Hải, Hà Trung, Thanh Hóa) có nguy cơ phải dừng lại ước mơ vào giảng đường đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Hoàng Thị Ánh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thường xuyên ốm bệnh, bà ngoại đã ngoài 90 nhưng thành tích học tập của em luôn xuất sắc. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa qua của Anh là 24,35 với các môn Toán 8,6; Lý 8,5 và Hóa 7,25.
Với mức điểm này, Hoàng Thị Ánh đã đăng ký vào Học viện Kỹ thuật Quân sự với hy vọng không trở thành gánh nặng cho gia đình trong những năm học đại học. Tuy nhiên, Ánh còn thiếu 0,25 điểm để đỗ vào Học viện này nên phải đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Điều đáng nói là với hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, Ánh có khả năng không đủ điều kiện để theo học.

Hoàng Thị Ánh dù đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội với mức điểm chót vót nhưng vẫn đứng trước khả năng dừng bước vì điều kiện kinh tế khó khăn
Về trường hợp này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường cấp học bổng cho tất cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và nữ sinh Hoàng Thị Ánh hoàn toàn đủ điều kiện để có học bổng.
Theo ông Tớp, sau khi báo chí đưa tin, nhà trường đã tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em Ánh và cũng được biết, do biết thông tin quá muộn nên em không nộp hồ sơ xin học bổng giành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại trường.
Trước thực tế hoàn cảnh của Ánh, trường ĐH Bách khoa đã công nhận về nguyên tắc Hoàng Thị Ánh sẽ được cấp học bổng, còn lại là vấn đề thủ tục sau khi Ánh nhập học. Ngoài ra, điều kiện để duy trì học bổng chính là nỗ lực học tập của Ánh trong các năm học tiếp theo tại trường này.