Nông sản khó vào siêu thị

ANTĐ - Sản xuất ra nhiều nông sản, nhưng sản phẩm của đa số nông dân lại khó được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, dẫn đến việc khó xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị. Lỗi do người nông dân hay do các siêu thị “kén cá chọn canh”?

Liên kết sản xuất - phân phối hiện đại cần được nhân rộng

Liên kết sản xuất phân phối rời rạc

Thừa nhận thực tế này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lấy ví dụ, hiện tại Hà Nội có khoảng 18.000 ha trồng rau, nhưng chỉ có 3.000 ha rau sạch, được chứng nhận tiêu chuẩn và sản phẩm làm ra được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng phân phối hiện đại. Tương tự, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm... sản xuất trong nông dân rất nhiều, nhưng lại được tiêu thụ phần lớn ở các chợ dân sinh. Dù chưa được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn nào, nhưng một cách cảm tính, nhiều người tiêu dùng đánh giá các loại thực phẩm này ngon hơn hàng bán trong siêu thị. Trong khi đó, siêu thị lại bày bán mặt hàng này của các doanh nghiệp, trang trại lớn, có tiêu chuẩn rõ ràng, bao bì mẫu mã đẹp hơn. Vấn đề đặt ra là tại sao những thực phẩm ngon lại chưa có cơ hội vào siêu thị?

Phân tích nguyên nhân, ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Chỉ cần ngành nông nghiệp chứng nhận sản phẩm của nông dân trồng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là sản phẩm nông dân làm ra có thể đưa vào bán trong siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, nhiều nông sản nông dân làm ra hiện nay lại chưa sạch, chưa có bao bì, mã số mã vạch thiếu các chứng nhận về an toàn thì khó có thể vào được siêu thị cũng như hệ thống bán hàng hiện đại”. Bên cạnh đó là các trở ngại về giá cả, phương thức giao hàng... Những tồn tại này đã tạo ra khoảng cách giữa nông dân với kênh phân phối hiện đại. Sâu xa hơn, nền sản xuất của nông dân còn manh mún, chưa đảm bảo tốt về số lượng, chất lượng nên bên cung và bên cầu khó gặp nhau.

Trong khi đó, về phía các siêu thị lại phát sinh vấn đề vin vào “tiêu chuẩn” để gây khó khăn, phiền phức, thậm chí ép giá nông dân. Một chuyên gia về thương mại cho biết, Nhà nước đã có quy định: “Siêu thị không được từ chối nhận hàng phân phối khi không có lý do chính đáng”, nhưng thực tế, nhiều siêu thị không nhận cho nông dân ủy thác, ký gửi sản phẩm làm ra. Khúc mắc ở chỗ, chính các tiêu chuẩn cũng làm khó cho nông dân bởi những người sản xuất có ít thông tin cần thiết cho sản phẩm. “Khi siêu thị cần hàng thì họ đi thu gom nhưng khi nhiều hàng, một số siêu thị lại “kén cá chọn canh” - vị chuyên gia này thẳng thắn nói. Theo ông, tính liên kết trong sản xuất - phân phối của Việt Nam rất yếu kém, mạnh ai nấy làm. Nông dân cũng phá hợp đồng với siêu thị khi thấy bán hàng ra ngoài được giá hơn.


Cần có “nhạc trưởng”

Theo phân tích của các chuyên gia thương mại, đối với nông sản trong nước, có tình trạng những tiêu chí chưa “chuẩn” được áp dụng vào thực tế sản xuất vốn chưa mạnh. “Các bộ, ngành liên quan cần làm rõ sản xuất sạch và liên kết sạch là như thế nào. Theo tôi, người trồng rau củ hay chăn nuôi lợn, gà cũng cần làm theo mô hình sản xuất - phân phối hiện đại để tránh thiệt thòi không đáng có”- ông Phú cho biết. Theo đó, người sản xuất có thể trở thành cổ đông của các siêu thị để gắn trách nhiệm của hai bên. Mô hình này ban đầu nên thử nghiệm với một số loại hàng hóa, sau đó nhân rộng ra nhiều mặt hàng. Kèm theo đó là cơ chế chính sách rõ ràng, khuyến khích người sản xuất và phân phối, có chế tài xử phạt với trường hợp vi phạm của các cơ quan Nhà nước.

Tại Hà Nội, mô hình liên kết sản xuất - phân phối giữa vùng trồng rau Vân Nội (huyện Đông Anh) với Tổng công ty thương mại Hà Nội (Harpo) theo chủ trương của thành phố đang được thí điểm thực hiện. Hàng hóa sẽ được đưa từ sản xuất đến bán lẻ, không qua khâu trung gian. Hapro chịu trách nhiệm giám sát việc trồng rau của nông dân, và sản phẩm của nông dân sẽ được Hapro bao tiêu.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, yêu cầu về sự an toàn, chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất và nhà phân phối cần “cải thiện quan hệ” để tồn tại cũng như đáp ứng xu hướng tiêu dùng tất yếu của người dân.