- Nông lâm nghiệp của đại học Việt Nam chiếm vị trí cao nhất trong nhóm ngành được QS xếp hạng
- Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp ở Việt Nam
Việt Nam thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu |
Điểm sáng và triển vọng
Đến hết năm 2020, 15/15 chỉ tiêu mà Đảng, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều đã đạt và vượt, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như về tăng trưởng của GDP, xuất khẩu nông lâm thủy sản, tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Cả nước đã có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; 2.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 42.000 trang trại và trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp… Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm - đang được coi là thành công khi giúp cho nhiều sản phẩm, đặc sản được xây dựng thương hiệu, chế biến theo quy mô lớn, giúp đáp ứng thị trường.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 vẫn lập kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD bất chấp dịch Covid-19, cao nhất từ trước đến nay. Hiện nông sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,8 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,75 tỷ USD, đứng thứ nhất trong các mặt hàng nông sản, tăng bình quân 23,1% mỗi năm. Xuất khẩu tôm 3,4 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 13 tỷ USD. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đang góp phần quan trọng trong việc mở ra các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Hiện đã có 39 sản phẩm của Việt Nam đã được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Năm 2020, gạo Việt Nam cũng lập kỷ lục về giá xuất khẩu, bình quân đạt gần 500 USD/tấn. Khối lượng gạo xuất khẩu giảm 3,5% nhưng tăng 9,3% về giá trị. Gạo chất lượng cao chiếm 85% gạo xuất khẩu và sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 8-2020 ghi nhận mức tăng trưởng 15,7%, đạt 58,8 triệu USD, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu Quốc hội giao. Hết năm 2020, trên trên 70% số xã và ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 44,2 triệu đồng/lao động, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,8%/năm, gấp 2 lần mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm). Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong |
Tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình lớn là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi (bao gồm cả hạ tầng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng chế biến, thương mại, dịch vụ nông nghiệp, kết nối giữa hạ tầng nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ để kết nối liên ngành, liên vùng); tập trung phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý ngành; hài hòa hóa tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân. Nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và quốc tế. Tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và các làng nghề; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu lại ngành sẽ được đẩy mạnh theo hướng phát bền vững theo 3 trục: theo sản phẩm chủ lực, theo từng lĩnh vực và theo vùng; đồng thời, tái cơ cấu luôn gắn với chế biến sâu nhằm tạo hình thành sản xuất vùng chuyên canh lớn, cải thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; nâng cao thu nhập bình quân cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…
Mục tiêu năm 2021, cả nước phấn đấu có 2.500 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 15.600; đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5% và đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới.
MỤC TIÊU
- Năm 2021: Cả nước phấn đấu có 2.500 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới.
- Năm 2025: Cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần.
- Năm 2030: Nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới.