Nông nghiệp Hà Nội khởi sắc

ANTĐ - Sáng qua 16-7, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo TP và các Sở, ngành đã thăm, kiểm tra một số dự án đầu tư trọng điểm cho nông thôn từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên. 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện, động viên cán bộ, 
công nhân trạm bơm Tiêu Xém (Thường Tín)

Mặc dù có nghề phụ, nhưng trên địa bàn 2 huyện này sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng yếu. Vì vậy, hạ tầng nông thôn được đặc biệt quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng tưới, tiêu để chủ động sản xuất.  Kể từ khi một số trạm bơm như Nhân Hiền, Tiêu Xém, Lễ Nhuế… được đầu tư, nâng công suất, tình hình sản xuất, trồng trọt của bà con được cải thiện, năng suất tăng cao.

Về đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP, 5 năm qua (2008-2013), ngân sách TP đầu tư tăng hàng năm từ 20-30%. Trung bình mỗi năm, ngân sách dành cho nông nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng, bởi vậy, đời sống của nông dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu đồng/người/năm (2008) lên 21,3 triệu đồng/người/năm (2012). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,86%/năm; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Sản xuất nông nghiệp hiện đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Đến nay, đã có 19/19 huyện phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới (NTM), có 12 xã đã đạt và cơ bản đạt xã NTM. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội phấn đấu có từ 35-40 xã đạt chỉ tiêu xã NTM. “5 năm qua, những kết quả mà khu vực nông thôn đạt được rất đáng phấn khởi. Từ cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi nội đồng, giao thông, đời sống của nông dân đến trình độ cán bộ cũng được nâng lên rất nhiều. Chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tăng thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và TP”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái nhận định.

Nhìn nhận về những đổi thay của khu vực nông thôn qua 5 năm (2008-2013), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho hay, 5 năm chưa phải là quãng thời gian dài, nhất là công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Để tạo được chuyển biến trong lĩnh vực này không phải dễ dàng, nhưng với sự cố  gắng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã tạo được sự thay đổi rõ nét trong nông dân, nông thôn. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy: “Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành, từ quy hoạch đến cơ chế, chính sách ưu tiên, con người, mọi thứ đều được vận dụng vào cuộc sống. Bức tranh nông nghiệp Hà Nội đã thấy được sự khác biệt”. 

Bí thư Thành ủy cho rằng, kết quả đạt được là đáng mừng, tuy nhiên vẫn chưa đủ để đáp ứng những thách thức đặt ra đối với một nền nông nghiệp hiện đại, đương đầu với sự hội nhập, hàng hóa nông sản từ các nước tràn vào. Vì vậy, thời gian tới, nên quan tâm vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa nông nghiệp, thu hoạch, bảo quản, không những nâng cao sản lượng mà còn chú trọng tới chất lượng. 

Về công tác đầu tư, xây dựng NTM, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, dù ngân sách TP đang khó khăn, nhưng những công trình, dự án trọng điểm, cấp bách cho khu vực nông thôn sẽ vẫn được ưu tiên: “Song, không phải chạy theo thành tích. Xây dựng được nhiều mô hình NTM thì ai cũng mong muốn, nhưng vẫn cần phải quan tâm, ưu tiên những đầu thấp để không có sự quá chênh lệch”. Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, xây dựng NTM là sự nghiệp khó khăn, gian khổ và đòi hỏi phải có lộ trình, phải làm từng bước, phát triển đi đôi với tính bền vững: “Nông nghiệp Hà Nội chắc chắn sẽ đi đầu cả nước nếu chúng ta xây dựng bài bản, từ chính sách ưu tiên, đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn đến con người, bộ máy chính trị”.