“Nóng” hàng lậu dịp cuối năm

ANTĐ - Như “tiền lệ”, cứ vào dịp cuối năm âm lịch, bên cạnh sự gia tăng của các loại tội phạm hình sự, ma túy… thì tội phạm liên quan trong lĩnh vực kinh tế là buôn lậu cũng đang có dấu hiệu nóng lên từng ngày.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo con số thống kê của lực lượng chống buôn lậu Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội, trong 2 tháng cuối năm âm lịch, lực lượng này đã phát hiện và bắt giữ gần 20 vụ mua bán, vận chuyển các loại hàng hóa nhập lậu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn như pháo, rượu ngoại, bánh kẹo, thuốc lá, quần áo, dày dép, đồ điện… trong số đó, nhiều vụ buôn bán có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Một chỉ huy của lực lượng chống buôn lậu, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội cho biết, qua những vụ mua bán, vận chuyển hàng lậu lực lượng này phát hiện trong thời gian áp tết cho thấy, hoạt động của loại tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng có dấu hiệu phức tạp, tinh vi và liều lĩnh.  

Vào đầu tháng 12-2011 vừa qua, sau nhiều ngày liền mật phục, lực lượng chống buôn lậu Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ tổng cộng 6 xe tải chở hàng lậu từ biên giới Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ. Trong số những chủ hàng nói trên, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện Công ty H trên địa bàn Hà Nội vận chuyển vải lót các loại của Trung Quốc. Theo chủ số hàng hóa này cho biết, đây là lượng hàng thanh lý mà công ty đã mua lại của các cơ quan chức năng huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ từ năm 2009. Nhưng quá trình đối chiếu số hàng trong hồ sơ thanh lý và thức tế hàng vận chuyển trên xe thì chủng loại và khối lượng hàng hoàn hoàn khác nhau. Nhưng vậy, có ai dám chắc rằng, từ năm 2009 đến nay, công ty này không dùng hồ sơ thanh lý nói trên để quay vòng vận chuyển các loại hàng hóa khác. 

Bên cạnh đó, để hợp thức hóa hàng lậu thành hàng “xin”, các đối tượng buôn đã lợi dụng vào “kẻ hở” trong Quyết định số 254/2006 của Thủ tướng Chính Phủ về việc đánh thuế các loại hàng hóa qua biên giới để trục lợi. Trong Điều 5 của quyết định này ghi rõ, riêng hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2.000.000đồng /1 người/1 ngày. Dựa vào điều khoản này, “con buôn” đã cấu kết với một số đầu nậu đã gom hàng của những người dân khu vực biên giới rồi xuất hàng theo hóa đơn đỏ của công ty mình để vận chuyển về các tỉnh nội địa tiêu thụ.  

Hàng lậu bị lực lượng chống buôn lậu An ninh kinh tế Công an TP Hà Nội bắt giữ

Ngoài ra, để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, những đối tượng buôn lậu còn sử dụng nhiều biển kiểm soát (trong đó có biển giả) để gắn vào một xe chở hàng trong quá trình vận chuyển từ khu vực biên giới về nơi tiêu thụ. Tinh vi hơn, gần đây, để “qua mặt” lực lượng chức năng, đã có công ty nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam một lượng lớn cá ướp lạnh. Nhưng khi lực lượng chống buôn lậu của Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội kiểm tra đã phát hiện trong lô hàng này ngoài mốt số rất ít thùng đựng cá, toàn bộ là rắn quý hiếm với số lượng lên đến 4 tỷ đồng.

 Khó trong việc xử lý

Cũng theo chỉ huy của lực lượng chống buôn lậu Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội, để phát hiện các đối tượng buôn lậu, lực lượng này phải tiến hành điều tra ngay tại các vùng biên giới như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn... Việc phát hiện hàng lậu đã khó nhưng việc xử lý chủ các hàng lậu cũng gặp rất nhiều khó khăn hơn.

Như trường hợp của Công ty HC nói trên, sau khi phát hiện công ty này vận chuyển các mặt hàng, số lượng và khối lượng hàng hóa không phụ hợp với hóa đơn thanh lý hàng trước đó, quá trình điều tra, lực lượng chống buôn lậu phát hiện, vào năm 2009, trong quá trình vận chuyển hàng lậu từ biên giới về nội địa, công ty này đã bị lực lượng chống buôn lậu huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ bắt giữ. Sau đó, trong quá trình thanh lý, công ty này được phép mua lại số hàng nói trên.

Và đến đầu tháng 12-2011 vừa qua, khi lực lượng phòng chống buôn lậu của Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội kiểm tra xe chở hàng cho công ty này, mặc dù không đúng các chủng loại hàng đã ghi trong hồ sơ thanh lý hàng trước đó nhưng đại diện của Công ty HC cho biết, số hàng trên chính là hàng mua thanh lý của năm 2009. Nhưng do điều kiện không cho phép nên bây giờ công ty mới có điều kiện thuê xe vận chuyển về để bán trong dịp tết. Như vậy, trước tính chất phức tạp của vụ án, để chứng minh nguồn gốc số hàng nói trên, các cơ quan chức năng lại phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để điều tra là rõ vụ việc.

Ngoài ra, để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý khi bị “lộ hàng”, các đối tượng buôn lậu còn móc nối với đối tượng vận chuyển hàng qua điện thoại và thỏa thuận luôn việc “bao hàng”. Sau khi tập kết hàng lên xe, tùy theo từng loại hàng, chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm về lô hàng đó cho đến khi về tới “bến”. Vì thế, nhiều vụ mua bán, vận chuyển hàng lậu từ khu vực biên giới về Hà Nội bị Cơ quan công an bắt giữ nhưng không thể điều tra ra được chủ số hàng trên để xử lý.

Cũng theo chỉ huy này, để bình ổn giá cả thị trường cũng như hạn chế hàng lậu tràn vào nội địa, bên cạnh sự kiên quyết và phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các lực lượng chức năng, các cơ quan liên quan cần có những chế tài mới, đủ mạnh và phù hợp trong tình hình mới để hạn chế đầu vào của hàng lậu cũng như đủ mức răn đe các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này.