Nông dân vẫn thấp thỏm chờ vải thiều “đi” Mỹ

ANTĐ - Khoảng 1 tháng nữa vải thiều ở Bắc Giang và Hải Dương sẽ vào vụ. Đây là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm này nông dân trồng vải thiều Bắc Giang vẫn thấp thỏm đợi chờ mà chưa thấy bóng doanh nghiệp nào về ngỏ ý thu mua. 

Mới chỉ thấy doanh nghiệp đến xem

Thông tin từ năm 2015, vải thiều Bắc Giang sẽ được xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã khiến hàng nghìn nông dân trồng vải Bắc Giang cũng như lãnh đạo địa phương khấp khởi kỳ vọng. Theo yêu cầu của phía Mỹ, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT lựa chọn từ 300 hộ trong xã để lấy 109 hộ tham gia vào vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu với diện tích khoảng hơn 60ha. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khi vụ vải đã cận kề mà mới chỉ có một vài doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu chứ chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng hay có động thái sẽ thu gom vải của nông dân để xuất khẩu. Bởi vậy, nông dân vẫn đang thấp thỏm đợi chờ. 

Bà Lê Thị Ánh ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho biết, những năm qua, gia đình đã đầu tư 300 gốc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến, 300 gốc vải thiều này năm nay sẽ cho khoảng 13 tấn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. “Hay tin vải thiều được xuất đi Mỹ chúng tôi mừng lắm, chờ đợi cả năm nay nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy bóng dáng doanh nghiệp nào về thu gom hay ký kết gì”, bà Ánh băn khoăn.

Nông dân vẫn thấp thỏm chờ vải thiều “đi” Mỹ ảnh 1

Vụ thu hoạch vải thiều đã cận kề mà thông tin vải “đi” Mỹ vẫn phập phù

Anh Nguyễn Văn Lưu có 250 gốc vải chuẩn bị cho thu hoạch cũng đang rất lo lắng khi không biết vải có đi Mỹ được không, bởi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP rất vất vả, nhưng đến nay, khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch mà vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào về ký kết hợp đồng, thu gom vải xuất sang Mỹ. “Cũng có một vài doanh nghiệp về ngó nghiêng, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc “nói miệng”. Hơn 200 gốc vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà tới đây phải bán đổ, bán tháo thì cầm chắc lỗ vốn”, anh Lưu lo ngại.


Không đi Mỹ lại xuất Trung Quốc!

Theo tìm hiểu, tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Mỹ rất nghiêm ngặt. Ở bất kỳ công đoạn nào, phía Mỹ cũng trực tiếp kiểm định, đánh giá và cho phép mới được triển khai. Trong khâu sản xuất phải bảo đảm tất cả các vườn vải thiều phải được phía Mỹ cấp mã vùng và sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, có thể là VietGAP hoặc GlobalGAP. Đối với vải thiều Lục Ngạn, phía Mỹ đã cấp 6 mã vùng nguyên liệu, các mã này được Mỹ đưa vào mã toàn cầu. 

Không giấu được sự thất vọng, ông Giáp Văn Thành, trưởng nhóm phụ trách chương trình sản xuất vải thiều xuất khẩu đi Mỹ của thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho hay: “Không bán được sang Mỹ thì chúng tôi lại bán đi Trung Quốc và tiêu thụ nội địa vậy”.

Theo nhiều nông dân xã Hồng Giang, hiện thương lái Trung Quốc đã sang Lục Ngạn đặt cơ sở sản xuất thùng xốp để đựng vải đưa về nước. Phía Trung Quốc chọn mua hàng loại một giá cao nhưng không ổn định, giá thay đổi theo giờ. Thương lái Trung Quốc luôn dựa theo khối lượng vải để điều chỉnh giá thu mua trong ngày. 

Bà Nguyễn Thị Xây ở thôn Hiệp Tân (xã Hồng Giang) là hộ có vải xuất đi thị trường Nhật Bản năm 2014 chia sẻ, thị trường khác thu mua giá ổn định hơn và không nhiều đòi hỏi như phía thương lái Trung Quốc. Cụ thể như, vải xuất khẩu đi Nhật thì chỉ cắt cuống rồi đóng thùng trực tiếp tại vườn, doanh nghiệp sẽ vận chuyển đi, dù giá không cao hơn nhiều. Còn, xuất cho thương lái Trung Quốc phải vận chuyển ra điểm thu gom, rồi còn bị trừ đầu trừ đuôi, rất mất thời gian và công sức. 

Nhiều nông dân trồng vải thiều Lục Ngạn cho rằng, dù sản xuất để xuất khẩu đi Nhật hay sang thị trường Mỹ, Australia đòi hỏi khắt khe hơn, cẩn thận hơn nhưng ổn định và giúp đa dạng thị trường. “Dù giá xuất khẩu đi Nhật vào năm 2014 không cao hơn giá bán lẻ quả vải loại 1 ở thị trường trong nước là bao nhiêu, nhưng chúng tôi vẫn thích quả vải được xuất đi nhiều nước. Bao năm nay, quả vải phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nên bấp bênh lắm, giá cả cũng theo đó mà trồi sụt, được mùa mất giá”, bà Xây chia sẻ.