"Nóng" cuộc đua lãi suất ngân hàng

ANTD.VN - Trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn giữ mức lãi suất huy động không quá 7% đối với mọi kỳ hạn thì tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất đã được đẩy cao, thậm chí trên 9% với tiền gửi tiết kiệm và trên 10% với chứng chỉ tiền gửi.

Những ngày gần đây, nhiều khách hàng nhận được thông báo của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) về chương trình gửi tiền lãi suất khủng trong những “ngày vàng”, từ 20 đến 24/8. Theo đó, với số tiền gửi chỉ 100 triệu đồng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 8,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 8,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Riêng với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, ngân hàng này đang áp dụng lãi suất 9,1%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng vừa thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm (tăng lần lượt 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ).

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong biểu lãi suất áp dụng từ hôm nay 22/8, ngân hàng này đã tăng thêm 0,3% lãi suất với kỳ hạn 6 tháng, từ mức 7,0% - 7,3% (tùy số tiền gửi) lên mức 7,3 – 7,6%. Đối với sản phẩm Phát Lộc Thịnh vượng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng thậm chí còn được điều chỉnh tăng 0,3 – 0,5%, từ mức 7,0% - 7,5% (tùy số tiền) lên mức 7,3% - 8,0%. Lãi suất cao nhất đối với loại hình tiết kiệm này đang là 8,4%/năm cho số tiền trên 10 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng.

Các ngân hàng đang đẩy tăng lãi suất để thu hút tiền gửi cuối năm

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) kỳ hạn 6 tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng là 8,2%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài. Theo đó, kỳ hạn 18 tháng tăng từ 7,45%/năm lên 7,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng từ 7,55 lên 7,9%/năm; 36 tháng tăng từ 7,6%/năm lên 8,0%/năm. Đối với tiền gửi online, OCB cộng thêm 0,1% lãi suất.

Đối với chứng chỉ tiền gửi, hàng loạt ngân hàng đã đẩy mức lãi suất lên trên 9%/năm. Cá biệt, mới đây Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã gây “sốc” khi tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 10,2%/năm.

Theo đó, chỉ cần 10 triệu đồng trở lên đối với khách hàng cá nhân và từ 100 triệu đồng với khách hàng tổ chức, khách hàng đã có thể mua chứng chỉ tiền gửi với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, mức lãi suất tương ứng là: 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.

Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất thời gian gần đây nhằm thu hút nguồn tiền gửi dân cư, nhất là tiền gửi trung và dài hạn để gia tăng nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm. Ngoài ra, việc gia tăng lợi ích cho khách hàng gửi tiền trung và dài hạn cũng nhằm củng cố nguồn vốn, đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Đáng mừng là dù lãi suất thị trường 1 (dân cư) đang khá “nóng” nhưng trên thị trường 2 (liên ngân hàng), mức lãi suất đang khá ổn định ở quanh mức 3%/năm. Điều này cho thấy, việc tăng lãi suất lần này của các ngân hàng chủ yếu mang tính thời vụ và nhằm gia cố nguồn vốn trung, dài hạn chứ không phải do căng thẳng thanh khoản.

Tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, lãi suất huy động vẫn đang duy trì mặt bằng thấp, ở mức không quá 7%/năm.