Nới thời gian làm thêm, người lao động lo thiếu thời gian nghỉ ngơi

ANTD.VN - Không phủ nhận việc tăng ca có thể giúp người lao động tăng thêm thu nhập nhưng cũng khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Người lao động không được nghỉ ngơi đủ dẫn tới mệt mỏi, từ đó năng suất lao động giảm, chưa kể tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. 

 

Việc nới khung giờ là thêm cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh gây ra hệ lụy cho người lao động

Trong dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít. Thực tế nhiều doanh nghiệp đang vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn.

Các kết quả khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều chỉ ra rằng hầu hết người lao động ở tất cả các ngành nghề, kể cả dệt may, da giày đều có mong muốn được giữ nguyên thời gian làm thêm như hiện nay. Nhiều công nhân lao động khi được hỏi cho biết, do thu lương thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên đa số công nhân lao động tăng ca để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc “cực chẳng đã”, bị thúc ép bởi nhu cầu của cuộc sống họ không tự nguyện làm thêm giờ.

Mới đây, tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đại diện công đoàn ngành dệt may Hà Nội cho rằng, trong một số ngành nghề như dệt may, da giày, xuất khẩu, chế biến thủy sản thì công việc phụ thuộc vào đơn hàng.

Bên cạnh đó, bản thân không ít người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để cải thiện thu nhập. Vì vậy, nên nới rộng khung giờ làm thêm, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng thu nhập cho người lao động.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho rằng, đa số công nhân lao động là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trọ, chi phí đủ thứ, rồi nhà trọ nóng bức nên công nhân cũng muốn đến Công ty làm thêm để có thêm thu nhập và cũng có thêm được bữa ăn ca hoặc được ở trong nhà xưởng mát mẻ chứ nếu lương tối thiểu đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì họ chắc chắn không muốn làm thêm vì làm thêm rất vất vả. 

Nêu ý kiến về đề xuất nới trần giờ làm thêm giờ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, làm thêm giờ quá cao cũng kiến gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc, tăng nguy cơ tai nạn lao động.

Để giải quyết khó khăn thực tế của một số doanh nghiệp khi có những chu kỳ sản xuất đột xuất (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản), ông Lê Đình Quảng gợi ý, có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng.

Theo các chuyên gia, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Do vậy, thay vì kéo dài thời gian làm việc của người lao động, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người lao động, cơ quan chức năng cần quy định theo hướng tiền lương của người lao động phải được doanh nghiệp trả lũy tiến - càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Có như vậy doanh nghiệp mới không huy động lao động làm thêm giờ tràn lan.