Nỗi kinh hoàng từ pháo nổ

ANTĐ - Vừa bước sang năm 2012, Philippines quả không vui khi đứng vị trí số 1 về số người bị thương trong các hoạt động mừng năm mới, trong đó chủ yếu là tai nạn về pháo. Ở Italia, khoảng 100 người bị thương cũng do đốt pháo ăn mừng bừa bãi, dù có lệnh cấm đốt pháo tại nhiều thành phố.

Cảnh sát Italia thu giữ lượng pháo lậu lớn dịp đón năm mới


Cái “nhất” không ai muốn

Các cơ quan chức năng Philippines đã cố gắng chặn “tai tiếng” là nơi đón năm mới nguy hiểm nhất thế giới nhưng bất thành. Ngay trước thềm năm mới, một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ nhất trong lịch sử về sử dụng pháo an toàn đã diễn ra: Áp phích có những hình ảnh kinh dị về tai nạn pháo chăng khắp nơi, các bác sỹ lên truyền hình đưa ra những chiếc cưa dùng để cưa xương nạn nhân pháo. Đích thân Tổng thống  Benigno S. Aquino III trong thông điệp năm mới kêu gọi người dân mừng năm 2012 trong âm nhạc và tiếng động lớn thay vì pháo hoa và súng.

Chưa kịp mừng với thống kê tai nạn ban đầu có vẻ thấp hơn năm trước, ngày 2-1, Philippines thông báo đã có trường hợp tử vong đầu tiên. Ngoài cậu bé 10 tuổi không qua khỏi do ném hộp thuốc nổ nhỏ vào đám cháy đúng vào đêm Giao thừa, ít nhất 712 người khác bị thương do pháo. Bác sỹ phẫu thuật Janice Sahagun ở Manila mô tả, bệnh viện này trong những ngày bước sang năm mới giống như vùng chiến sự, tất cả các bác sỹ phẫu thuật phải ứng trực, chủ yếu là điều trị bệnh nhân bị bỏng nặng hoặc mất ngón tay vì pháo. Một vài bệnh nhân do tai nạn giao thông, mà nguyên nhân là mất tầm nhìn do khói pháo. Đó cũng là lý do tương tự khiến hơn 10 chuyến bay tại sân bay quốc tế Manila phải hủy hoặc chuyển hướng.

Phong tục đốt pháo mừng năm mới của người Philippines bắt nguồn từ truyền thống của người Trung Hoa là dùng tiếng vang để xua đuổi những điều xui xẻo, kém may mắn. Dù pháp luật quy định rõ những loại pháo thường, pháo hoa nào được đốt nhưng tình trạng đốt pháo phổ biến ở đây khiến năm mới đồng nghĩa với náo loạn và thuốc nổ. Đáng chú ý, một trong những loại pháo hoa trái phép được giới trẻ Philippines ưa chuộng hiện nay là có tên “Tạm biệt Philippines”. Nó chứa lượng thuốc nổ tương đương với bom mà các phiến quân ở đảo miền Nam Mindanao sử dụng, xung quanh nó được bọc bởi các mảnh bom. Trong “cuộc chiến” chống pháo nổ đầy khó khăn ở nước này, một cảnh sát đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh đột kích một gian hàng chứa pháo lậu hôm 29-12.

Châu Âu lúng túng đối phó với pháo lậu

Không riêng gì Philippines, nhiều nước châu Âu cũng lo ngay ngáy với tình trạng thương tích và cháy nổ do đốt pháo dịp năm mới, nhất là khi EU vừa cho phép đốt pháo hoa có hàm lượng thuốc cao gấp đôi so với quy định cũ.

Ngay trước đêm Giao thừa, cảnh sát Italia đã thu giữ một lượng lớn pháo lậu, nâng lên tổng số 650.000 quả pháo hoa trái phép. Pháo hoa được bán rầm rộ ở các đại lý, cửa hàng, các quầy hàng trong chợ Italia. Phần nhiều được nhập khẩu từ Trung Quốc, một số sản xuất tại Italia, thường là tại các xưởng hay các nhà máy sản xuất pháo trái phép có liên hệ với các tổ chức mafia. Cảnh sát cho biết, họ đã thu giữ được những quả “pháo cối” tại chợ đen có tầm bắn gần 200m, kích cỡ tương đương với quả bóng đá. Ngoài ra, một số mặt hàng “khủng” màu sắc đủ loại, tên gọi khá “kêu” như “Quỷ nhỏ”, “Yêu quái”, “The Monti Bomb” (đặt theo tên tân Thủ tướng Mario Monti)… đều có sức công phá mạnh đến mức phải nhờ đến chuyên gia rà phá bom mìn của quân đội đến gỡ.

Cùng với nhiều thành phố lớn như Venice, Milan, Turin, Rome, Florence, gần 1.200 cộng đồng nhỏ ở Italia đã cấm bắn pháo hoa dịp Giao thừa vừa rồi. Tuy vậy, một tai nạn về pháo gây hỏa hoạn tại một gia đình ở nước này đã làm ít nhất 1 người thiệt mạng, trong khi thống kê mới nhất đã có hơn 100 người Italia bị thương vì đốt pháo trong đêm Giao thừa.

Trước quy định mới của EU, nhà chức trách Đức đã đặt ra nhiều biện pháp để đảm bảo cho các bữa tiệc lớn nhất trong năm diễn ra trong an toàn. Ở Đức có một đội ngũ chuyên kiểm nghiệm, đánh giá những loại pháo hoa xuất hiện trên thị trường mỗi dịp năm mới. Bà Heidrun Fink, một nữ chuyên gia 50 tuổi tiết lộ: “Năm nay, chúng tôi phát hiện một sản phẩm đặc biệt, đó là loại pháo hoa mà pin cho kíp nổ xếp dài đến 1m chứa đến 150 ngòi nổ. Khi đốt, nó sẽ tạo ra một màn pháo hoa liên tục kéo dài vài phút với đủ loại âm thanh và màu sắc”. Bà Heidrun Fink đã nghiên cứu đủ loại pháo hoa Giao thừa 2012 từ tháng 3 năm ngoái. Là một thanh tra viên của Viện Nghiên cứu và kiểm tra vật liệu Liên bang Đức (BAM), hàng năm bà đều đến thăm các nhà máy pháo hoa ở Trung Quốc và thử nghiệm độ an toàn của đủ loại chất nổ được nhập khẩu vào Đức. Mỗi loại pháo này đều được cho nổ có kiểm soát tại địa điểm ở Horstwalde, gần Berlin, cũng là nơi Đức từng thử nghiệm tên lửa đầu tiên.