Vụ “người giúp việc bị bạo hành dã man”

Nỗi đau sau lũy tre làng

ANTĐ - Người ta vẫn bảo “ở hiền thì gặp lành”, thế nhưng với bà Phạm Thị Phương câu nói ấy chưa bao giờ đúng. Cho tới khi việc bà bị tra tấn dã man được công khai, người ta mới hay, cuộc đời của người phụ nữ vốn quen nhẫn nhục này vẫn còn quá nhiều éo le,   muộn phiền…

Bà Phương đang được chăm sóc tại bệnh viện

Dư luận phẫn nộ

Chuyện bà Phương đi giúp việc trên Hà Nội rồi bị chủ hành hạ dã man đến suýt chết bây giờ thành câu chuyện cửa miệng của làng. Không chỉ riêng dân thôn Kim Giang bức xúc mà khắp xã Đại Cường (huyện Ứng Hòa) chỗ nào cũng thấy người ta bàn tán đầy vẻ căm phẫn. Họ bảo: “Tội nghiệp bà ấy, ngày khăn gói quả mướp đi làm là ngày đầu tiên bà Phương bước ra khỏi lũy tre làng. Những tưởng công việc đó sẽ giúp bà có một món tiền dành dụm về già, ai ngờ suýt nữa thì không còn mạng. Ví thử cứ coi như bà Phương vụng về, không làm được việc cho chủ đi chăng nữa thì cứ sa thải lại xong chuyện, can cớ gì mà phải đày đọa, làm nhục người ta đến lê lết ra như thế? Sao trên đời lại có kẻ ác như vậy hả trời?”.

Kêu trời thì xa quá, chỉ có ông Phạm Quốc Kỳ, em trai bà Phương là xót chị gái mình. Đã 4 ngày trôi qua, nhưng mỗi lần có ai hỏi thăm chị mình, ông Kỳ chỉ chực trào nước mắt. Trong đầu ông vẫn nhớ như in hình ảnh chị gái mình không còn đi nổi đã ngã gục xuống con đường phía đầu làng. Lúc ấy là độ đầu giờ chiều  - ông Kỳ nhớ lại  tôi đang ở chỗ làm thì nhận được một số máy lạ nói giọng nữ gọi vào điện thoại thông báo: “Bà Phương đang rất yếu, chủ nhà đã cho “xe ôm” đưa về sáng nay rồi. Không biết giờ này bà ấy đã về tới nhà chưa?”. Nghe thông báo thế, ông Kỳ đã cảm thấy có chuyện gì đó không lành. Chưa kịp hỏi lại cho rõ ngọn nguồn thì phía bên kia đã cúp máy, thấy vậy ông vội vã lấy xe chạy về nhà ngay. Tới đầu làng đã thấy một đám xúm đông xúm đỏ. Cũng may, dân quê thì cùng xã ai cũng biết nhau cả, người ta nhận ngay ra người ngã gục đó là bà Phương liền vội vàng đỡ dậy rồi dìu về tận nhà.

Lúc đó bà Phương vẫn kiệt sức chưa nói được gì. Chỉ tới khi về tới nhà, ông Kỳ nhờ một y tá cùng thôn tới khám cho chị mình xem bệnh tình thế nào thì mọi người mới choáng váng. Toàn bộ phần bụng, mông, bộ phận sinh dục bị bỏng rộp và lở loét. “Tôi không thể nhận ra nổi đó là chị gái mình. Nói đúng ra lúc đó chị ấy chỉ như một cái xác với đầy thương tích khủng khiếp” - ông Kỳ nói trong nước mắt. Câu chuyện tiếp theo phải tới sáng hôm sau bà Phương mới có sức để thuật lại. Theo đó, sau khi bị chủ hành hạ đến không thể tự sinh hoạt được nữa thì bà Phương được chủ thuê “xe ôm” “tống khứ” về quê. Không hiểu do hợp đồng từ đầu hay do biết rõ tình trạng của bà Phương, sợ đưa bà về trong tình trạng này đến tận làng sẽ “bất lợi” mà người “xe ôm” chỉ thả bà tại bến xe Yên Nghĩa để bà Phương tự đi xe buýt một chặng nữa về làng. Khổ nỗi, sức đã kiệt, bà cứ lê lết ra ở bến xe khá lâu khiến nhiều hành khách ái ngại. Một phụ nữ tốt bụng thấy vậy bèn mua một bát phở mời bà ăn cho lại sức, nhưng yếu quá, bà Phương không nuốt nổi. Cuối cùng thì người phụ nữ nọ cũng giúp bà lên xe để về làng. Cũng may, lúc xuống xe thì bà gặp hàng xóm nên mới có thể an toàn về tới nhà.

Cụ Huê ngày nào cũng ra sức ngóng con

Tội ác không thể dung thứ

Khi biết được sự thật câu chuyện, ông Kỳ đã làm đơn tố cáo tội ác của Trần Thị Tuyết Minh, bà chủ nhẫn tâm hành hạ người giúp việc ở ngõ 95 phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Nhận được đơn tố cáo, công an Hà Nội cũng đã lập tức vào cuộc điều tra. Sau khi Trần Thị Tuyết Minh ra công an trình diện và thú nhận tội ác của mình, ngày 7-1-2012, cơ quan điều tra CAQ Ba Đình đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đọc lệnh bắt tạm giam ba tháng đối với đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích và hành hạ người khác.

Nghe tin sáng chủ nhật 8-1 có nhà báo về tìm hiểu hoàn cảnh của bà Phương, hàng xóm của bà kéo tới chật nhà. Chị Phạm Thị Hoa, một người hàng xóm của bà Phương bảo: “Ở làng này, ai cũng biết bà Phương là người hiền lành, tử tế, cả đời chẳng to tiếng với ai bao giờ, vậy mà không hiểu sao người ta lại có thể hành hạ bà ấy tới mức độ như vậy. Hay là vì thấy người ta lành quá nên dễ bắt nạt?”. Một người khác thì bảo: “Căn nguyên cũng bởi tại cái sự nghèo. Nghèo thì mới phải rời quê đi kiếm cái ăn. Rồi cũng vì nghèo mà để người ta hành hạ mình mà không dám phản kháng”. Sự nghèo của bà Phương thì chỉ nhìn căn nhà cũng thấy rõ. Nó lụp xụp, tồi tàn và chẳng có gì đáng giá. Bà có 3 anh em thì anh cả đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vốn là người chậm chạp nên bà Phương không lấy chồng, cả đời chỉ chăm chắm ở vậy với bà mẹ già 95 tuổi cho tới tận lúc bước chân lên Hà Nội làm giúp việc cho người ta. Vậy mà cũng không yên thân.

Trước đây bà Phương cũng làm vài sào ruộng, nhưng mấy năm nay do sức khỏe yếu nên đành bỏ. Một mình bà nuôi mẹ già với chế độ hộ nghèo là 250 nghìn đồng mỗi tháng cộng với chế độ liệt sỹ của anh trai thì khá chật vật. Thế nên khi có người mách nước đi làm giúp việc, bà gật đầu ngay. Ông Kỳ bảo: “Lúc đầu tôi phản đối lắm vì biết thừa chị mình không phải người nhanh nhẹn. Thế nhưng chị ấy cứ quyết nên tôi đành chịu. Năm ngoái, khi thấy chị đi làm và cũng mang được chút tiền về, tôi cũng mừng vì dù sao chị ấy cũng được nhiều người đón nhận. Cứ ngỡ rằng giờ đây đã có kinh nghiệm rồi thì công việc sẽ thuận hơn, nào ngờ gần tết rồi mà chị ấy phải trở về với thân thể không còn ra hồn người nữa”.

Tội nhất vẫn là cụ Tạ Thị Huê, mẹ đẻ bà Phương. Dù nay mắt mờ chân chậm, đầu óc chẳng còn tinh tường, nhưng bản năng của người mẹ cũng khiến cụ ý thức được việc chẳng lành đã xảy ra với con gái mình. Hôm người làng dìu bà Phương về, cụ cứ sờ lên mái tóc rồi hỏi: “Sao tóc con bơ phờ và thưa đi thế này, ốm hả con? Sao mẹ hỏi mà cứ im im mãi thế?”. Người nhà sợ cụ sốc cứ giấu biệt mọi chuyện, nhưng đêm đến, nghe con gái ú ớ mê sảng, linh tính người mẹ già như đã nhận biết được mọi chuyện khiến cụ cứ dậy ngồi rờ rẫm đầu tóc con gái cả đêm rồi khóc nghẹn. Lúc chúng tôi vào thăm nhà, cụ Huê cứ đứng trân trân ở cửa hỏi vọng ra “Các bác có thấy con Phương nhà tôi về đó không?”. Câu nói ấy tất cả cùng nghe thấy, nhưng chẳng ai có thể trả lời…