Nỗi đau người mẹ có con mang trọng tội

ANTĐ - Mặc dù phiên tòa kết thúc từ hơn 10h sáng, nhưng quá trưa, người phụ nữ mái tóc bạc trắng vẫn lang thang phía ngoài cổng tòa, với ánh mắt thất thần. Dường như ngực bà vẫn chưa hết nghẹt thở khi nghĩ về mức án mà HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội vừa tuyên đối với con trai bà, kẻ bị cáo buộc phạm vào hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Cố lê đôi chân một cách chậm chạp, bà ngồi nhờ quán trà đá vỉa hè, cạnh cổng tòa trước cái lạnh tái tê…

Bồng bột

Bị cáo Đoài nhiều khi vẫn tỏ ra hết sức ngây ngô

Biết tôi là phóng viên đã gặp trong phòng xử nên bà Hoàng Thị Ngõ (70 tuổi), mẹ của bị cáo Lê Văn Đoài (SN 1985, trú tại thôn Bãi Thượng, xã Hồng Quang, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khá cởi mở trong câu chuyện giữa tôi và bà. Bà bảo: “Khổ quá các bác ạ. Thế này thì lúc ốm đau, cũng như khi nhắm mắt xuôi tay chắc gì đã được nhìn mặt con”. Chuyện đó xảy ra sáng 7-9-2009, Đoài mang theo một chiếc làn nhựa bên trong đựng một số dụng cụ đánh giày vào trung tâm thành phố để kiếm cơm. Trên đường đi đến khu vực đường thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Đoài gặp ông Phạm Đình Hòe (SN 1930, trú tại xóm Bụa, thôn Trung Cao), đang đi bộ ngược chiều, mang theo người chiếc túi vải. Thấy vậy, Đoài nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc túi của ông Hòe, để lấy tiền đi xe buýt.

Nghĩ là hành động, Đoài chạy đến giật chiếc túi của ông Hòe nhưng bị ông mắng: “Mày làm gì thế?”. Ông Hòe vừa dứt lời, Đoài lấy con dao bầu, đầu nhọn để trong chiếc làn ra đâm 1 nhát vào ngực ông Hòe, khiến nạn nhân ngã ra đường. Ngay sau đó, Đoài lấy chiếc túi vải của ông Hòe, bên trong có 82 nghìn đồng cùng một số đồ dùng sinh hoạt khác rồi bỏ chạy. Lúc này, nhiều người có mặt gần đó đã bắt quả tang Đoài cùng tang vật. Mặc dù ông Hòe được mọi người đưa đến bệnh viện huyện Chương Mỹ cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong trên đường đi.

Qua điều tra, xác minh và lời khai của bà Hoàng Thị Ngõ thì từ năm 2001, Đoài có tiền sử mắc bệnh tâm thần và sau khi gây án có biểu hiện không bình thường. Ngày 28-9, cơ quan điều tra đã trưng cầu Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, giám định đối với bị can Lê Văn Đoài cho thấy, Lê Văn Đoài có mắc bệnh tâm thần phân liệt thể di chứng. Trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội có mắc bệnh trên…

Ngày 7-4-2010, Viện KSND TP Hà Nội có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Lê Văn Đoài, tại Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương. Tuy nhiên, ngày     29-6-2011, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định sức khỏe tâm thần đối với Đoài: Tình trạng tâm thần hiện tại của Lê Văn Đoài đã ổn định, không cần thiết biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời đề nghị Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định đình chỉ. Hành vi trên của Lê Văn Đoài cũng bị Viện KSND TP. Hà Nội cáo buộc phạm vào hai tội là “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Xót xa

Tại phiên tòa diễn ra sáng 10-2, Lê Văn Đoài đứng trước vành móng ngựa vẫn với ánh mắt ngáo ngơ. Khi được HĐXX giải thích bị cáo lại tỏ ra là người khá bình thường và thừa nhận những hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã ra quyết định tuyên phạt Đoài 14 năm tù về tội “Giết người” và 2 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 16 năm tù. Ngoài ra, Đoài còn có trách nhiệm bồi thường dân sự cho phía bị hại theo quy định của pháp luật.

Cầm chiếc bánh mì nguội lạnh trên tay được cô em dâu đi cùng mua cho, bà Ngõ chẳng buồn ăn. Bà than thở, “cái khoản bồi thường dân sự cho phía bị hại hơn 80 triệu đồng lấy đâu ra bây giờ?” Đến ngay cả bữa ăn trưa nay bà cũng chẳng dám mơ tới vì phải dành tiền bắt xe về nhà. Huyện Chương Mỹ cách trung tâm TP. Hà Nội chỉ chừng hơn 20km, thế mà 5h sáng nay, hai chị em bà Ngõ đã gọi nhau, bắt xe đi lên dự phiên tòa cho kịp. Cả hai chị em đều sợ lạc đường, cứ đi hết một con phố lại vội vàng hỏi lái xe, khiến họ cũng phải phát cáu.

Bà Ngõ ngồi nhẩm tính, rồi không ai hỏi cũng tự xưng: “Giờ thì còn gì mà bán để trả nợ cho người ta. Hay là đi tù để được xóa nợ tôi cũng chấp nhận! Mà cũng phải, lấy chồng rồi sinh được 4 người con, cách đây hơn 20 năm, chẳng may ông nhà tôi bỗng nhiên đột tử. Khi đó thằng Đoài mới gần 7 tuổi. Sẵn mắc bệnh tâm thần, gia đình nghèo túng cộng với phần chẳng ai dạy bảo nên thằng Đoài chẳng được thành người là phải. Đã thế, thằng anh cả nó bị bệnh ung thư nên đất đai tài sản của gia đình phải bán hết. Thế mà cũng chẳng chữa chạy được. Còn một anh, một chị thì may mắn có người thương lấy, nhưng vì nghèo cũng chẳng giúp gì được mẹ, được em. Những năm trước, nhà tôi phải ra đê dựng tạm túp lều để sống”. Thương tình, ông ngoại bà cắt cho mấy chục mét vuông đất, bảo về dựng căn nhà cấp 4 ở tạm. Mang tiếng là nhà nhưng cũng chẳng khác nào cái lều trông vịt. Được xếp vào diện nghèo nên năm nào chính quyền địa phương cũng phải cho tiền ăn tết. “Có lẽ, suốt đời này tôi phải mang nợ người ta!” - Bà Ngõ xót xa.