Nỗi đau khôn nguôi

ANTĐ - Ngày 11-3 đã trở thành kỉ niệm đau thương mà đất nước Nhật Bản và cả thế giới không bao giờ quên. Động đất 9 độ richter và cơn sóng thần cuồng nộ đã khiến khu vực bờ biển đông bắc Nhật Bản lâm vào cảnh hoang tàn, đổ nát, gần 20.000 người thiệt mạng và mất tích.
Nỗi đau khôn nguôi  ảnh 1
Trường học và khu dân cư tại khu vực Miyako, tỉnh Iwate đã bị san phẳng,
nay được thắp sáng để nhắc nhở 

Như vừa mới hôm qua…

Thời khắc trận động đất mạnh nhất rung chuyển cảng cá  Shizugawa ở Minamisanriku hôm 11-3 năm ngoái, Takeshi Kanno, vị bác sỹ 32 tuổi cùng các nhân viên bệnh viện Shizugawa bắt đầu sơ tán bệnh nhân từ tầng 5. Mất điện, không thang máy, Kanno chỉ còn cách sơ tán bệnh nhận càng nhanh càng tốt. 107 người chờ đợi được cứu giúp. Lúc đó 3h26 phút chiều, một đợt sóng cao tương đương căn nhà 4 tầng san phẳng thị trấn có 18.000 dân. 65 bệnh nhân của bác sỹ Takeshi Kanno đã bị chết đuối hôm đó. 5 người tiếp theo ra đi do thân nhiệt bị giảm đột ngột trong khi chờ trực thăng ứng cứu. Phải mất 3 ngày trực thăng mới sơ tán hết mọi người, riêng bác sỹ Kanno chỉ đi khi người cuối cùng được cứu sống. “Tôi thấy mình thật vô dụng vì không cứu được mọi người, chỉ còn biết ngồi cạnh cho đến khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng”, Kanno nhớ lại. Bác sỹ Takeshi Kanno đã được tạp chí TIME bình chọn trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2011, bởi đó là tấm gương cho tinh thần của người Nhật Bản.

Yukie, vợ của Takeshi Kanno kể, chồng mình chỉ nhắn tin là vẫn an toàn ngay sau trận động đất nhưng không gọi về nhà dù khu vực đó đã tan hoang sau cơn sóng thần. Yukie lo sợ chị sẽ phải một mình nuôi 2 đứa con, trong đó có một em bé sắp sinh. Nhưng may mắn là gia đình họ đã đoàn tụ. Và đó chỉ là trường hợp vô cùng may mắn, trong khi có biết bao gia đình khác ở vùng động đất, sóng thần Nhật Bản sống trong cảnh chia lìa, vợ mất chồng, cha mất con, trẻ em trở thành mồ côi. 


Món quà bí mật

Dưới chân núi Iwakisan một ngày đầu năm 2012, một phụ nữ bước vào trung tâm trẻ mồ côi và trẻ em nghèo Kojuen ở thị trấn Tsuruta, tỉnh Aomori và trao một phong thư cho nhân viên trung tâm. “Một người quen của tôi nhờ đưa hộ”, người này chỉ nói có vậy rồi ra về. Phong bì đó đựng 200.000 yen (khoảng 2500 USD) tiền mặt và một bức thư ký tên “người đánh cá ngừ Oma”. Sau Tết 2012, những phong bì thư tương tự đã được chuyển đến 5 cơ sở nuôi dạy trẻ em của tỉnh Aomori.

Oma là một thị trấn ven biển phía bắc Aomori. Cái tên này được mọi người nhớ tới khi ngày 5-1, một con cá ngừ bắt được từ vùng biển Oma đã được bán với giá cao kỷ lục 56,49 triệu yên trong phiên đầu năm tại chợ cá Tsukiji ở Tokyo. Không biết những món tiền của nhà hảo tâm vô danh kia có liên quan đến con cá ngừ đó hay không?

Bức thư gửi trung tâm 

Kojuen có đoạn viết: “Năm ngoái, thảm họa động đất sóng thần xảy ra. Là một người sống cùng khu vực Tohoku, tim tôi nhói đau. Đây là một phần số tiền mà tôi thu được từ việc đánh bắt cá ngừ, hãy dùng cho các em”. Năm ngoái, trung tâm Kojuen cũng nhận được khoản tiền mặt 380.000 yên từ một người tự nhận mình là “người đánh cá ngừ Oma”. “Đó là khoản tiền kiếm được từ việc đánh bắt cá vất vả ở vùng biển lạnh. Chúng tôi thực sự biết ơn người quyên tặng”, giám đốc trung tâm tâm sự. 

Sau trận động đất và sóng thần năm ngoái, nhiều nạn nhân vùng thảm họa đã nhận được những “món quà lạ” như thế. Có trường hợp, cả túi xách chứa các bó tiền bỏ lại trong nhà vệ sinh với lời nhắn hãy dùng tiền giúp mọi người bị nạn ở Tohoku. Những người tốt bụng đó là ai đến nay vẫn là điều bí ẩn. 

Tự lực cũng là cách tri ân

Là một doanh nhân trẻ ở Miagi, Masaki Takahashi tự hỏi: Cửa hàng quần áo thời trang, rau quả thực phẩm bán thế nào đây khi mà hàng hóa được phát miễn phí, người bán thiết bị điện thì sửa chữa nhiều hơn là bán hàng. Còn vấn đề nhân công, nếu người ta cảm thấy nhận hàng miễn phí là đủ, nhiều người không muốn làm việc nữa. Trước những câu hỏi ấy, Masaki Takahashi đã đề xuất sáng kiến “người địa phương dùng hàng địa phương”. Tháng 11-2011, Masaki Takahashi đã tạo ra một hệ thống mà qua đó, những người muốn giúp đỡ nạn nhân vùng thảm họa có thể mua hàng họ định tặng từ chính các công ty sản xuất địa phương. “Khi hàng hóa được gửi đến từ khắp các nơi khác, điều này có thể đè bẹp hoạt động thương mại địa phương. Ngược lại, nếu các nhà tài trợ mua hàng hóa tại địa phương, nó tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế”. Takahashi mất ông nội, vị Chủ tịch Công ty Masaichi 92 tuổi trong thảm họa sóng thần nhưng sau thảm họa, Công ty Takamasa & Co đã tăng số lượng nhân viên lên 178 người, gấp rưỡi so với trước. “Chúng tôi không thể cảm ơn hết tất cả người dân cả nước đã ủng hộ. Cách duy nhất để trả ơn lòng tốt của mọi người là xây dựng lại thị trấn của chính mình”, Takahashi nói. 

Chung quan điểm này, bà Kazue Saito, 50 tuổi, Giám đốc điều hành của Công ty Shoten Saikichi Kesennuma, tỉnh Miagi cho biết: “Chúng tôi đã mất đi nhiều thứ trong thiên tai, đó là 9 cơ sở, từ trụ sở công ty, nhà máy, ngôi nhà gia đình đang ở nhưng nếu chúng tôi không làm việc và không có lòng tự trọng thì không có nguồn cứu trợ nào có thể giúp những người sống sót tự đứng trên đôi chân của mình”.