Nỗi đau bị biến thành "máy đẻ"

Cuộc giải cứu 14 cô gái Việt Nam sang Thái Lan “đẻ thuê” cho một công ty Đài Loan đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Vậy là sau những vụ các cô gái Việt Nam bị buôn bán làm vợ xứ người, bị lừa vào động quỷ, bị bắt làm nô lệ... lại có thêm một nỗi đau nữa - bị biến thành cái “máy đẻ”.

Nỗi đau bị biến thành "máy đẻ"

Cuộc giải cứu 14 cô gái Việt Nam sang Thái Lan “đẻ thuê” cho một công ty Đài Loan đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Vậy là sau những vụ các cô gái Việt Nam bị buôn bán làm vợ xứ người, bị lừa vào động quỷ, bị bắt làm nô lệ... lại có thêm một nỗi đau nữa - bị biến thành cái “máy đẻ”.

Điều đáng nói là thông tin bước đầu cho thấy, không phải tất cả trong số các nạn nhân này đều bị cưỡng ép hoặc lừa đảo trong việc đẻ thuê. Một số là tự nguyện.

Khá nhiều em nói rằng họ sang đây theo dịch vụ đẻ thuê, được cho ăn uống và nhận khoảng 5.000 USD cho mỗi lần sinh đẻ. Song dù là tự nguyện hay cưỡng ép, pháp luật vẫn xem họ là những nạn nhân, vì vậy trong mọi trường hợp các cơ quan hữu quan cả hai nước vẫn luôn bảo vệ sức khỏe, nhân quyền của họ. Điều đó thì quá rõ rồi.

Ở đây, tôi chỉ muốn bàn thêm rằng, với những người tự nguyện tham gia dịch vụ đẻ thuê ở Thái Lan, hay ở đâu đó trên khắp thế giới, họ không chỉ là nạn nhân của sự lừa đảo, của đồng tiền, mà còn là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm về cuộc đời và tình mẫu tử.

Những cô gái “tự nguyện” tham gia đẻ thuê hẳn sẽ nghĩ vô cùng đơn giản rằng, nếu họ sinh ra những đứa trẻ không phải của mình - là do trứng và tinh trùng của người khác- thì đứa trẻ sẽ chẳng dính dáng gì đến họ cả. Sau 9 tháng mười ngày cho chúng ở nhờ trong bụng, mỗi cô sẽ được nhận vài ngàn đô la. Và hợp đồng sẽ kết thúc.

Các cô gái đẻ thuê nghĩ thế. Và có lẽ cả một số ông bố bà mẹ sử dụng dịch vụ này, cũng sẽ nghĩ thế.

Trang chủ của Baby 101 trên mạng Internet

Trang chủ của Baby 101 trên mạng Internet

Hãy đọc dòng quảng cáo của công ty 101 Babies kia thì sẽ biết ngay họ nhắm vào những đối tượng nào: “Dịch vụ phù hợp cho các phụ nữ muốn có con nhưng không có thời gian cho việc mang bầu; Không phải chịu sự khổ sở của cơn đau đẻ. Không lo mất dáng hoặc giảm bớt hưng phấn khi quan hệ chăn gối...”.

Nhưng tình mẫu tử là thứ còn lớn hơn các quy luật sinh học. Con vịt con mới nở thường nhận con vật đầu tiên mà nó nhìn thấy (thường là mái gà) là mẹ nó. (Theo kinh nghiệm chăn nuôi vịt, người ta thường mua trứng vịt và dùng gà mái để ấp nở trứng).

Có rất nhiều sáng tác nghệ thuật được “gợi hứng” từ tập tính có vẻ... ngu ngốc của loài vật này. Nhưng nó là minh chứng sống động cho thấy, tình mẫu tử không chỉ được xét về mặt sinh học.

Trường hợp các cô gái đẻ thuê kia, đứa trẻ được hình thành và lớn lên trong chính thân thể các cô, rồi chính các cô phải đau đớn sinh ra chúng, cho chúng uống dòng sữa non đầu tiên. Và các cô cũng chính là người mẹ đầu tiên mà chúng nhìn thấy khi chào đời...

Tình mẫu tử sẽ đến một cách tự nhiên, vượt lên những con tính của lý trí. Những ai từng được chứng kiến một đứa trẻ ra đời, mới thấu hiểu rằng phải mất bao nhiêu khí huyết của người mẹ mới có thể sinh ra nó, chứ không chỉ đơn thuần là “tẩm bổ” 9 tháng rồi nghiến răng đẻ “đánh phạch” một cái là ra MỘT CON NGƯỜI.

Nếu ai cũng được trải nghiệm tình mẫu tử như thế, thì có lẽ dịch vụ đẻ thuê sẽ không thể tồn tại, bởi khi kết thúc mỗi hợp đồng, thì thêm một đứa trẻ được ra đời, nhưng tình mẫu tử là thứ bị mất đi nhiều nhất. Những cô gái đẻ thuê bị “mất con” đã đành. Những người cho trứng và tinh trùng trong dịch vụ này sẽ có ngay những đứa trẻ mang gen di truyền của chính mình, nhưng họ không thể có được những trải nghiệm về tình mẫu tử như khi chính họ đẻ ra chúng.

Tất nhiên, có những cặp vợ chồng vì lý do sức khỏe, nên không thể sinh con theo cách thông thường, mà phải nhờ đến một “người mẹ” khác. Song, trong những trường hợp đó đã có ngành y tế giúp đỡ họ với các dịch vụ mang tính nhân đạo, chứ không phải dùng đến dịch vụ đẻ thuê, vô nhân đạo và trái pháp luật.

Theo Đông Kinh

TT&VH