Nổi danh nhờ cái sừng trâu, học mót

ANTĐ - Với lịch sử hàng trăm năm làm nghề, chỉ cần nhắc tới sừng Đô Hai, nhiều người đã nghĩ ngay tới những sản phẩm mỹ nghệ tuyệt đỉnh của một làng quê vùng chiêm trũng. Thế nhưng, ít ai biết những nghệ nhân đầu tiên của làng, thành được nghề là bởi… học mót.

Làm sừng mỹ nghệ phải kiên trì và tinh tế

Ông tổ “học mót” nghề

Hàng trăm năm sau những thăng trầm để nghề làm sừng phát triển được trên vùng đất mà quanh năm người dân chỉ biết đến đồng ruộng như xã An Lão (Bình Lục – Hà Nam), mới thấm hết những ân tình của người đất quê nhớ về một ông tổ làng nghề “độc nhất vô nhị” như ở Đô Hai.

Ông tổ nghề làm sừng mỹ nghệ của Đô Hai là cụ Nguyễn Văn Tuấn. Hàng trăm năm trước, cụ Tuấn đã bươn chải khắp nơi, từ các nước Đông Dương đến châu Âu, châu Phi kể kiếm sống. Ở đâu cụ Tuấn cũng thấy người ta dùng sừng trâu, sừng bò để chế tác ra đủ thứ đẹp đẽ. Từ lược ngà đến đồ trang trí đều hết sức tinh xảo. Thế rồi, cụ “học mót” được thành nghề và về quê truyền dạy cho con cháu. Sau này, những người học trò của cụ Tuấn đều trở thành những nghệ nhân nức tiếng, đem nghề làm sừng truyền bá đi khắp nơi.

Trưởng làng Đô Hai, ông Hà Nam Bắc cho hay: “Chính bố tôi cũng là một nghệ nhân có tiếng của làng sừng, ông vào Nam ra Bắc làm nghề nên đặt tên tôi như thế những mong con cái sau này cũng đi đây đi đó phát triển tinh hoa của làng”.

Ông Bắc còn cho biết thêm, làng Đô Hai có gần 400 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu thì tất thảy các hộ đều làm sừng mỹ nghệ. Ngay cả những em nhỏ cũng có thể làm được nghề nhưng là những công đoạn giản đơn. Người lớn thì cũng tùy “hoa tay”, ai giỏi thì làm thợ chính, ai chưa giỏi thì làm công đoạn thô.

Với người Đô Hai, nghề chế tác sừng trâu, bò thành những tác phẩm mỹ nghệ tuyệt đỉnh đã trở thành cái duyên cái nghiệp. Thời thịnh vượng nhất của làng sừng Đô Hai thực sự khởi sắc từ những năm 1985 khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp. Các hộ bắt đầu sản xuất số lượng lớn những sản phẩm đẹp nhất để bán ra thị trường trong và ngoài nước.

Cho đến nay, ở làng số lượng người làm nghề vẫn rất cao. Ruộng đồng đối với họ chỉ là thời vụ, không phải nguồn thu nhập chính. Từ Đô Hai, nhiều người trong làng đã đi truyền nghề ra khắp các miền quê, mở các cơ sở mỹ nghệ nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc.

Các công đoạn làm sừng khá tỉ mỉ

Kỹ nghệ làm sừng

Ông Hà Nam Bắc – Trưởng làng Đô Hai bảo: “Làm sừng mỹ nghệ phải thật kiên trì, tỉ mỉ và tinh tế thì mới mong có tác phẩm đẹp. Ngoài ra, nghệ nhân phải có óc sáng tạo để thiết kế ra mẫu mã sản phẩm mới lạ thì mới thu hút được khách hàng”.

Quả thật, khi chúng tôi dạo qua một vài “xưởng sản xuất” của các hộ dân mới thấm hết những tiêu chí cần và đủ của người làm sừng. Sừng trâu bò sau khi được nhập về phải qua sơ chế, tức là ngâm ủ trong nước pha muối cho hết mùi rồi phơi sấy thật cẩn thận để nguyên liệu không bị mốc ẩm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đệ cho hay: “Sản phẩm sẽ được làm theo mẫu mã đã thiết kế sẵn. Mỗi người một công đoạn, người chưa thạo nghề thì chỉ cưa xẻ sừng để tạo dáng, thợ cao tay thì ghép nối tỉa tót tạo vảy, tạo điểm nhấn cho tác phẩm”.

Ông Đệ cũng bật mí, làm sừng mỹ nghệ mình phải hiểu cái chất của sừng trâu bò mềm cứng thế nào. Có những chi tiết làm cả ngày mới xong nên phải thật kiên trì, tỉ mỉ vẽ khía và tinh tế trong khâu tạo hình. Nó như một sản phẩm điêu khắc, nếu làm lỗi sẽ mất đi uy tín của làng nghề.

Trong “xưởng sản xuất” của ông Đệ lúc nào cũng có hơn chục thợ, người ngồi lò nung chín sừng để uốn, người bào chế, người đánh ráp… mỗi người một công đoạn riêng biệt rất hài hòa, ăn ý với nhau.

Sở dĩ, phải chia mỗi người một công đoạn vì làm sừng mỹ nghệ khá vất vả phức tạp, lại đòi hỏi sự khéo tay. Chỉ cần một chi tiết sai là sản phẩm bị phế bỏ nên việc ai người ấy làm cho thành thục, nhuần nhuyễn. Ấy vậy, mà hơn 10 người làm trong xưởng của ông Đệ mỗi ngày cũng chỉ cho ra đời được hơn chục tác phẩm mà thôi.

Nhìn những tác phẩm từ sừng trâu, bò mà chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp kỳ lạ. Những cái tên mỹ miều như: Đại bàng tương ngộ, tam thanh nhất động cảnh, phu phụ tình thâm… được hoàn thành một cách đầy ngoạn mục và tinh tế.

Nỗi lo ô nhiễm và mai một 

Tuy sản phẩm sừng mỹ nghệ Đô Hai đã nức tiếng xa gần, có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc và xuất khẩu với lượng lớn sang cả nước ngoài nhưng theo ông Trần Ngọc Thương – Phó chủ tịch UBND xã An Lão, sừng Đô Hai đang gặp khó khăn.

Một trong những cái khó ấy là sản phẩm sừng hiếm dần. Trước đây, các thương lái còn đưa sừng trâu, bò về làng bán với giá rẻ nhưng hiện tại, người Đô Hai phải đi săn lùng khắp nơi. Theo ông Nguyễn Văn Đệ, giá sừng trâu đã lên tới 40.000 đồng/kg.

Hơn nữa, nạn ô nhiễm môi trường từ chính làng nghề đã khiến không ít người bức xúc. Nguồn nước bị ô nhiễm, bụi từ mùn sừng bay tứ tung, mùi khét từ sừng trâu, bò cháy phát tán khắp đầu làng cuối xóm.

Ông Hà Nam Bắc – Trưởng làng Đô Hai thì nhận định: “Nỗi lo làng nghề mai một mới là lớn nhất. Các nghệ nhân thì đã già mà thanh niên không mấy ai mặn mà với nghề nữa”.

“Làng sừng Đô Hai đã có từ lâu đời, có nhiều nghệ nhân giỏi. Từ xưa các cụ trong làng đã đi sang cả nước ngoài hành nghề và “học mót” những tinh hoa mỹ nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc đem về truyền dạy cho con cháu.”, ông Lã Quốc Toản – Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết.