Nội bộ Mỹ lục đục vì thoả thuận hạt nhân với Iran

ANTĐ -Bất chấp việc đa số thành viên của Đảng Cộng hoà phản đối, Nhà Trắng cho biết họ rất tự tin về việc đạt được thoả thuận cuối cùng cho chương trình hạt nhân Iran vào cuối tháng 6 tới.

Một thoả thuận khung đã đạt được vào hôm 2-4, qua đó Tehran đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Trái với Tổng thống Obama, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà tỏ ra hoài nghi về thoả thuận này và đe doạ sẽ tìm cách lật kèo hoặc áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới.

Nội bộ Mỹ lục đục vì thoả thuận hạt nhân với Iran ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama 

Hiện Đảng Cộng hoà đã kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội Mỹ và nhiều khả năng sẽ cho ra đời được một đạo luật buộc tổng thống phải xin phép quốc hội nếu muốn bất kì thoả thuận nào với Iran được thông qua. Hiện ông Obama đã đe doạ sẽ dùng quyền phủ quyết của tổng thống để bãi bỏ đạo luật này và nỗ lực thuyết phục chính các nghĩ sĩ Đảng Cộng hoà đang có quan điểm trái ngược với Nhà Trắng.

Ngay từ bài phát biểu vào hôm 2-4, Tổng thống Obama cũng đã khẳng định rằng nếu thoả thuận mới đạt được bị quốc hội Mỹ phản đối, mà không dựa theo bất kì một phân tích nào hay đưa ra một biện pháp thay thế, thì đây sẽ là một thất bại trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ.

Vào hôm 4-4, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani đã hứa sẽ tuân thủ các điều khoản trong thoả thuận hạt nhân mới đạt được với nhóm 6 cường quốc. Ông khẳng định rằng đây là một sự kiện lịch sử với Iran và sẽ mang quốc gia này lại hợp tác gần hơn với thế giới.

Israel hiện đang là nước phản đối kịch liệt thoả thuận mới với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng nó có thể mang lại một “sự nguy hiểm chưa từng có hay chiến tranh thảm khốc” đối với khu vực Trung Đông và đặc biệt là Israel.

Những điều khoản được thống nhất vào hôm 2-4 giữa Tehran và nhóm P5+1 bao gồm việc cắt giảm các số máy li tâm làm giàu uranium xuống mức chỉ đủ để sản xuất năng lượng, chứ không thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đổi lại, lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, EU và Mỹ sẽ phải bị gỡ bỏ dần dần khi các quan sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) xác nhận việc tuân thủ thoả thuận của Iran.