Nỗi bất hạnh toàn cầu

ANTĐ - Thủ tướng Anh D. Cameron vừa lên tiếng kêu gọi các cường quốc tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, vấn đề mà báo chí gọi là “nỗi bất hạnh toàn cầu”.

Trẻ em suy dinh dưỡng ở Kenya

Phát biểu tại một hội nghị cấp cao về nạn đói do Anh và Brazil đồng tổ chức tại London đúng dịp xứ sở sương mù tổ chức Thế vận hội 2012, ông D. Cameron cho rằng thế giới cần hành động gấp nhằm cứu 25 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thoát khỏi nguy cơ chậm phát triển trong 4 năm tới. Theo các số liệu thống kê công bố tại hội nghị, hiện nay cứ 3 trẻ em tử vong thì có một trường hợp chết do nguyên nhân suy dinh dưỡng.

Các số liệu của LHQ cho biết, trên thế giới có khoảng 195 triệu trẻ em ở các nước nghèo bị suy dinh dưỡng, không được phát triển đầy đủ về thể chất và nhận thức từ khi được thai nghén cho đến 2 năm đầu đời. Những em này sẽ trở thành những người khuyết tật cả về thể chất lẫn trí tuệ và rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Mỗi năm, có 358.000 bà mẹ tuổi từ 15-49 ở các nước đang phát triển tử vong khi mang thai và sinh nở, gần 2,6 triệu trẻ sơ sinh và 8,1 triệu trẻ em dưới 1 tuổi tử vong, phần lớn do không được nuôi dưỡng đủ chất. Suy dinh dưỡng là mối nguy ở các nước nghèo, nơi chiếm tới 80% số trẻ em suy dinh dưỡng toàn cầu.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng là nạn đói nghèo, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết 3/4 số người nghèo trên thế giới sống tại các vùng nông thôn và hầu hết trong số họ phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Cái đói sẽ đẩy người nghèo vào vòng luẩn quẩn: sản lượng giảm - nghèo hơn - kinh tế phát triển chậm - giảm sút các nguồn lực. Trong khi đó dân số thế giới tiếp tục tăng nhanh và sẽ lên tới 9 tỷ người vào năm 2050. Với đà tăng dân số như vậy, dù thế giới tăng sản lượng lương thực tới 60% so với hiện nay thì vẫn còn 300 triệu người sẽ chịu tình trạng đói kinh niên vào năm 2050. 

Chính vì thế mà các tổ chức phát triển của LHQ đều nhấn mạnh rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải quan tâm coi dinh dưỡng là vấn đề hàng đầu trong các diễn đàn quốc tế về an ninh lương thực. An ninh dinh dưỡng phải là nhân tố căn bản không thể thiếu, ngang bằng với nước sạch hoặc giáo dục trong chiến lược phát triển quốc gia của các nước nghèo. Trên cơ sở định hướng đó, các chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bảo vệ quyền tiếp cận với lương thực và các nguồn tài nguyên như đất, nước hoặc rừng cho người nghèo.

Một trong những giải pháp hàng đầu để chống đói nghèo và suy dinh dưỡng trẻ em là cần phải có thêm các nguồn đầu tư cho nông nghiệp. Người ta tính rằng chỉ cần bỏ ra 120 triệu bảng Anh (tương đương 188 triệu USD) cho các đề tài nghiên cứu các giống cây trồng có khả năng chịu hạn và giàu  vitamin ở các khu vực châu Phi và Nam Á là có thể tạo ra 11 triệu tấn ngũ cốc, đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho khoảng 45 triệu người thiếu ăn mỗi năm tại các khu vực này.

Còn một cách đơn giản hơn là giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực, đặc biệt là ở những nước phát triển. Các con số thống kê cho thấy hiện con số lương thực bị lãng phí đã lên tới 1,3 tỷ tấn mỗi năm, tương đương gần 1/3 sản lượng lương thực thế giới cho nhu cầu tiêu dùng của con người và hơn 10% tổng tiêu hao năng lượng calo của thế giới. Đây là sự lãng phí khủng khiếp trong bối cảnh vẫn có hàng trăm triệu người thiếu đói.